Bình đẳng giới trong chính sách hưu trí

03/04/2023 01:49 PM


Vấn đề bình đẳng giới ngày càng được cộng đồng xã hội quan tâm và được lồng ghép thông qua nhiều chính sách pháp luật, trong đó có chính sách an sinh xã hội. Tại Việt Nam, tuy bình đẳng giới đã được thể hiện trong chính sách hưu trí hiện hành, nhưng vẫn còn bất cập...

Nhiều năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật không ngừng được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án... đã được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 cho thấy tình trạng bất bình đẳng gia tăng ở hầu hết các quốc gia. Trong giai đoạn 2020-2022, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế- xã hội. Sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nam và nữ cũng khác nhau, góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Theo bà Trần Thị Thanh Lam- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam và nữ đã có một khoảng cách thì sau khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ này ở phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng lên 10,8%. Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm sóc, trông giữ con khi trường học đóng cửa hay khi thực hiện cách ly y tế…

Trong điều kiện bình thường, phụ nữ cũng phải dành nhiều thời gian vào công việc chăm sóc, nội trợ gia đình không được trả lương hơn nam giới. Theo ước tính, khoảng 14,5% phụ nữ so với 5,5% nam giới phải rời khỏi lực lượng lao động vì phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, nội trợ gia đình. Trong khi đó, chính sách BHXH không có cơ chế ghi nhận thời gian gián đoạn việc làm vì NLĐ phải chăm sóc con cái hoặc người cao tuổi (NCT) là bố mẹ, ông bà trong gia đình.

Như vậy, việc phải chăm sóc nuôi dưỡng con nhỏ hay bố mẹ già có thể tạo ra những tác động tiêu cực đến lương hưu của lao động nữ do bị hạn chế khả năng tham gia vào lực lượng lao động, thu nhập và thời gian tham gia BHXH.

“Tại thời điểm năm 2019, lương hưu của nam giới cao hơn phụ nữ bình quân gần 20%. Do đó, các chính sách về hưu trí cần xây dựng để khoảng cách này không bị nới rộng thêm. Cùng với đó, do áp lực công việc, áp lực thu nhập, tài chính, nhiều lao động nữ phải rút BHXH một lần. Theo thống kê, hầu hết các trường hợp rút BHXH một lần là lao động nữ trẻ. Tổng thời gian đóng BHXH của lao động nữ trung bình ngắn hơn 4 năm so với nam giới; con số này tương đương với 1/5 của thời gian tối thiểu 20 năm tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Theo nguyên tắc đóng- hưởng, khi thời gian đóng BHXH ngắn thì mức hưởng BHXH thấp”- bà Lam phân tích.

Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH đã đề ra mục tiêu tổng quát là đưa BHXH thực sự là một trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân. Chương trình hành động của Chính phủ cũng xác định mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng xã hội trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và khu vực phi chính thức chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH thất nghiệp; có khoảng 60% số người trong độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.

Do đó, để tăng diện bao phủ BHXH cũng như tăng tỷ lệ lao động nữ được hưởng lương hưu, cần đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về BHXH, tập trung vào những chính sách ưu đãi như: Nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, cấp thẻ BHYT cho người hưởng lương hưu… Đồng thời, cần đa dạng các hình thức truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp, thường xuyên, bằng người thật, việc thật theo hình thức hỏi đáp, tránh chỉ tuyên truyền “qua loa”. Nội dung tuyên truyền cần thay đổi theo hướng tập trung tuyên truyền những quyền lợi mà NLĐ được hưởng trước khi tuyên truyền về trách nhiệm của NLĐ khi tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa các cơ quan liên quan trong việc hướng dẫn, tuyên truyền, định hướng sự tham gia vào hệ thống BHXH đối với từng đối tượng cụ thể. Ngoài cơ quan quản lý nhà nước, cần huy động sự tham gia, vào cuộc của các đoàn thể chính trị- xã hội, những tổ chức có mạng lưới để có thể tiếp cận, giải thích và tư vấn cho từng người dân ở cơ sở. Đi đôi với công tác tuyên truyền cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ lao động nữ khi họ gặp khó khăn về kinh tế như lúc sinh đẻ, có người thân, con cái ốm đau, mất việc làm tạm thời để giảm tình trạng rút BHXH một lần, tăng diện bao phủ cho lao động nữ.

Cùng với đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH có thể tác động tích cực đến vấn đề bình đẳng giới, phụ thuộc vào thiết kế chính sách cụ thể. Bộ luật Lao động năm 2019 tăng độ tuổi nghỉ hưu của nam giới và phụ nữ, đồng thời thu hẹp khoảng cách giới trong quy định về độ tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với quy định mới này, khoảng cách giới trong tỷ lệ hưởng BHXH sẽ chỉ giảm khoảng 1- 2%. Mức giảm này dù tích cực nhưng chưa đủ bù đắp độ chênh lệch. Do vậy, để tăng hiệu quả bình đẳng giới thông qua hệ thống BHXH, Luật BHXH (sửa đổi) sắp tới cần quy định về thời gian đóng BHXH, ghi nhận thời gian chăm sóc con nhỏ, tỷ lệ hưởng và công thức tính lương hưu, điều chỉnh lương hưu và hưu trí xã hội toàn dân.

Cũng theo phân tích của ILO, nhằm chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con và gia đình, bớt gánh nặng cho lao động nữ, cần nghiên cứu để có chế độ gia đình và trẻ em bởi lẽ việc chăm sóc con không chỉ dừng ở 6 tháng nghỉ thai sản mà kéo dài nhiều năm sau đó, vì vậy rất cần có sự tham gia của cả lao động nam. Việc hỗ trợ một khoản kinh phí cho trẻ hàng tháng đối với các trường hợp cha/mẹ/người chăm sóc thay thế tham gia BHXH bắt buộc sẽ hỗ trợ NLĐ chăm sóc con tốt hơn, góp phần giảm tình trạng rút BHXH một lần.

Bên cạnh đó, khi xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) cũng cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ lao động nữ được bình đẳng trong thực hiện nguyên tắc BHXH, điều kiện hưởng lương hưu. Cụ thể như chính sách quy đổi thời gian chăm gia đình và con nhỏ được tính là thời gian tham gia BHXH như Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Chính sách này cùng với các chính sách khác sẽ hỗ trợ rất thiết thực, tháo gỡ những bất cập về BHXH đối với lao động nữ. Tiếp tục có những giải pháp để phát triển hệ thống GD mầm non nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động nữ các KCN, giảm bớt chi phí, tăng cơ hội làm việc, đóng BHXH liên tục của lao động nữ, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và an sinh xã hội.

Thực hiện: Nguyệt Hà

Đồ hoạ: Thanh An

Theo https://ansinhxahoionline.tapchibaohiemxahoi.gov.vn/