Tọa đàm “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”
18/11/2021 10:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/11 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”.
Đánh giá về khó khăn do Covid-19, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Chỉ riêng trong quý III/2021, Covid-19 khiến 4,7 triệu NLĐ bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, dịch còn khiến trên 10 triệu lao động giảm giờ làm việc.
“Nhiều ngành bị tác động nhưng ngành dịch vụ là lớn nhất. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước; lao động ngành việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước…”- ông Thanh nói.
Khoảng 1,3 triệu lao động đã từ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương, trong đó có số tỉnh thành có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (khoảng 160.000 người), Sóc Trăng (99.700 người), Nghệ An (75.800 người); Đắc Lắc (75.000 người), Cà Mau (58.700 người)… Cùng với đó, thu nhập và tiền lương, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao.
Cũng theo ông Lê Văn Thanh, trước những khó khăn đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách nhằm hỗ trợ người dân, NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, dự thảo chương trình phục hồi và phát triển đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan gồm 7 giải pháp. Cụ thể, việc hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ các chi phí mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện tiền nước, xét nghiệm Covid-19. Tiếp đến là 3 nhóm giải pháp hỗ trợ người SDLĐ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên thị trường lao động; phát triển bền vững thị trường lao động kết hợp tăng cường cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; đảm bảo điều kiện về nơi sinh sống cho NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tiến bộ…
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam đánh giá, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, khoảng 65.000/155.000 lao động của Tập đoàn thuộc 19 tỉnh, thành chịu tác động lớn của dịch. Thời điểm nhạy cảm nhất, Tập đoàn có tới 56.000 NLĐ không thể di chuyển tới nơi làm việc do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau giãn cách, từ ngày 1/10-15/10, 92% lao động của Tập đoàn đã trở lại làm việc ở TPHCM. Chỉ còn hơn 1.200/65.000 lao động thuộc 19 tỉnh, thành chịu nhiều tác động của Covid-19 không liên lạc được sau đợt dịch.
Đánh giá về câu chuyện thiếu hụt lao động sau giãn cách, ông Lê Tiến Trường cho rằng, tình trạng chủ yếu xuất hiện ở những doanh nghiệp may mặc “trẻ” hoặc vừa được thành lập và vẫn sử dụng nhiều lao động dịch chuyển ở các tỉnh ngoài. Còn với các doanh nghiệp lâu năm, có chế độ tốt và đã có khu trọ thì ít có lao động bỏ về quê. Cùng với đó, Tập đoàn đã triển khai cơ chế liên hệ giữa người quản lý lao động và lực lượng lao động, đồng thời xây dựng các tổ nhóm Covid trước đợt dịch lần thứ 4. Theo đó, mỗi tổ nhóm được phân công theo địa bàn khu vực ở trọ của NLĐ. NLĐ ở trọ cùng một chỗ thì làm cùng một tổ, một dây chuyền nhằm hạn chế số lượng người tiếp xúc. Việc này giúp bảo đảm nếu 1 người là F0 thì chỉ có 20 người là F1 chứ không phải là 300 hay 400 người.
Còn theo ông Vũ Minh Tiến- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng kịp thời và thuận tiện hơn. Đặc biệt là gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116. “Đầu tiên, tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày thực hiện gói 38.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, việc giải ngân về cơ bản đã hoàn thành. Như tôi được biết, tới nay, hầu hết NLĐ đã và đang tham gia BH thất nghiệp và các doanh nghiệp đã tiếp cận được gói hỗ trợ này”- ông Vũ Tiến nói.
Dưới góc độ chuyên gia an sinh, ông Giang Thanh Long- ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, lao động trong khu vực không chính thức là nhóm đối tượng tổn thương nặng nhất do đại dịch trong suốt 2 năm qua. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, họ bị mất sinh kế và không có nguồn bù đắp như những người được hưởng BHXH. Dù đã có hỗ trợ của Chính phủ nhưng vẫn còn một số lượng khá lớn lao động phi chính thức chưa tiếp cận hoặc tiếp cận chậm với chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm tới việc số hóa tất cả các hoạt động trong đó có hoạt động đăng ký NLĐ, đặc biệt là lao động tự do. “Đây cũng là lúc chúng ta nhận thấy rõ vai trò của chính sách BHXH như là “tấm nệm” hỗ trợ cho NLĐ tham gia khi có khó khăn. Đây là cơ hội tuyệt vời giúp mọi người thấy rằng: Ai chưa tham gia BHXH thì nên tham gia hệ thống BHXH…”- ông Long đánh giá.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...