NLĐ thất nghiệp không thích học nghề: Vì sao?

05/04/2021 03:03 PM


Học nghề và dạy nghề được pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể, nhằm hỗ trợ NLĐ thất nghiệp có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp để tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, số NLĐ thất nghiệp đăng ký học nghề rất ít!

Bà Lê Thị Kiều Phượng- Giám đốc Trung tâm DVVL TP.HCM cho biết: Trong năm 2020, Thành phố có 195.450 NLĐ nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, nhưng chỉ có 6.955 người đăng ký học nghề. Riêng quý I/2021, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 27.710 lượt người, tăng so với cùng kỳ năm 2020, song cũng chỉ có 185 người đăng ký học nghề, giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều NLĐ không muốn học nghề do ngại thay đổi công việc

Cũng theo bà Phượng, các ngành nghề đào tạo tại Trung tâm, gồm: Lái xe ô tô hạng B2, nghiệp vụ bán hàng, tin học ứng dụng, thiết kế đồ họa, tiếng Anh và tiếng Hàn giao tiếp. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với 12 trường nghề khác trên địa bàn đào tạo các nghề, như: Cắt may thời trang, may công nghiệp, tiếng Anh giao tiếp, kỹ thuật trang điểm, kỹ năng bán hàng online...

Có mặt tại nhiều Trung tâm DVVL ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… phóng viên Tạp chí BHXH ghi nhận người đến đăng ký hưởng BH thất nghiệp khá đa dạng, từ lao động phổ thông, cho đến nhân viên văn phòng, nhân sự quản lý… Chị Lê Thị Lan- nhân viên khối văn phòng ở quận 1 (TP.HCM) lý giải về việc không đăng ký học nghề: “Công việc của em là văn phòng, em đã có trình độ ĐH. Còn ở Trung tâm chỉ dạy các nghề cơ bản dành cho lao động phổ thông, nên hầu như không chỉ em, mà tất cả những người thất nghiệp từng làm quản lý, văn phòng đều không phải là đối tượng học nghề”.

Anh Hoàng Vĩnh Tùng từng làm công nhân tại một công ty cơ khí ở Bình Dương chia sẻ rằng, lý do không học nghề là bởi anh xác định mình là lao động phổ thông, nếu có đi xin việc ở công ty khác cũng sẽ tìm đúng việc đã từng làm. “Công việc thuần túy này chỉ cần quen tay, không cần đi học thêm”- anh Tùng nói.

Nhiều công nhân ở các công ty chuyên về may mặc, da giày, điện tử… cũng cho rằng, mỗi khi thất nghiệp, điều họ nghĩ đến sẽ là đi tìm công việc khác tương tự ở công ty cũ. Bởi, nhiều DN thường chủ yếu sử dụng lao động phổ thông, làm theo dây chuyền, người này chỉ việc cho người kia. “Chỉ những ai có ý định chuyển công việc mới, nghề mới, không tiếp tục làm công nhân nữa họ mới đăng ký học”- một công nhân cho biết.

Hiện nay, mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ thất nghiệp được quy định tại Điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg là 1 triệu đồng/tháng, tối đa NLĐ được hỗ trợ 6 triệu đồng (6 tháng). Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ tăng số tiền hỗ trợ. Theo đó, nếu NLĐ thất nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo; đối với NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng (tối đa 6 tháng), mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Dù vậy, theo đại diện một số DN, ngành LĐ-TB&XH cần đa dạng hơn nữa ngành nghề đào tạo, để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo các nghề mà DN đang cần và có mức lương cao, mới có thể “kích thích” NLĐ quan tâm học nghề để có thu nhập tốt hơn.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/