Tín dụng đen lại “bủa vây” NLĐ

28/12/2020 02:27 PM


Cứ cận Tết, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, lo vé tàu xe về quê ăn Tết… của NLĐ lại bắt đầu tăng cao. Nắm bắt được thực tế này, các đối tượng cho vay nặng lãi, cầm cố, thế chấp tài sản lãi suất cao lại ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật. Có thẻ BHYT là được cho vay tiền…

Trước đây, công nhân muốn vay tiền tiêu Tết phải có sổ hộ khẩu, bảng lương, HĐLĐ, giấy tờ xe máy… để thế chấp. Còn giờ đây, nhiều công nhân ở TP.HCM, Bình Dương cho biết, họ chỉ mang thẻ BHYT đến thế chấp cũng được cho vay.

Một trang mạng ở Bình Dương chào mời công nhân vay tiền bằng cách thế chấp thẻ BHYT

Chị L.- công nhân tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) kể, chị vừa vay 20 triệu đồng để lo tiền vé máy bay cho gia đình về Thanh Hóa ăn Tết. Điều kiện chỉ cần có thẻ BHYT còn thời hạn và chứng minh đang làm việc tại công ty. Do điều kiện quá dễ dàng, trong khi không có tài sản thế chấp nên dù lãi suất cao nhưng chị L. vẫn quyết định vay.

Từ trường hợp của chị L., chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và được biết, thẻ BHYT hiện được các nhóm cho vay nặng lãi coi là “tài sản” mà NLĐ có thể đem thế chấp, cầm cố để vay tiền tiêu xài. Trên mạng xã hội, trong group của các nhóm công nhân ở Bình Dương đang nhan nhản các lời rao hấp dẫn, kiểu như: Bạn có thẻ BHYT muốn vay tiền 15tr-100tr. Nhắn tin Zalo ngay để được tư vấn miễn phí. Giải ngân nhanh- lãi suất thấp- không mất phí- bảo mật thông tin và đặc biệt ko cần thẩm định.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thẻ BHYT, sổ BHXH cũng đang là “tài sản” mà nhiều công nhân đem cầm cố, thế chấp. Tại các tiệm cầm đồ và trên các hội, nhóm công nhân Facebook ở TP.HCM, Bình Dương rất đông đối tượng xuất hiện mời chào cho vay theo dạng thế chấp sổ BHXH lấy tiền tiêu Tết.

Trong vai công nhân đang cần tiền, từ các quảng cáo trên Facebook, chúng tôi nhắn tin đề nghị “vay nhanh”. Vừa nhắn tin, lập tức hàng chục “nhân viên” tư vấn đã vào trả lời. Sau khi hỏi về thủ tục, chúng tôi khá bất ngờ khi phía cho vay khẳng định, chỉ cần vài thao tác online đơn giản là tiền sẽ về tài khoản- dù số tiền tôi muốn vay lên đến 30 triệu đồng. Người tư vấn tên Hằng gửi cho tôi bảng tính lãi hằng tháng và số tiền phải trả. Cụ thể, nếu vay 30 triệu đồng, tôi sẽ trả trong 12 tháng, mỗi tháng 2.999.000 đồng. Hằng còn yêu cầu tôi gửi một bức hình chụp thẻ BHYT, sau đó hẹn gặp nhau ký “một vài giấy tờ thì tiền sẽ lập tức vào ngay tài khoản”.

Nhưng sự thực lại không đơn giản như vậy. Là người có “kinh nghiệm” vay tiền, anh Long- công nhân tại KCX Tân Thuận (TP.HCM) chia sẻ: “Họ nói đơn giản vậy thôi, nhưng khi “bập” vào họ mới đưa một cái hợp đồng rất dài, câu chữ toàn pháp lý đọc không hiểu gì hết. Lãi suất nhìn qua cũng thấp nhưng ký hợp đồng rồi họ mới tính vào đủ các loại phí như hồ sơ, quản lý, bảo hiểm, chậm trả một ngày thôi là bị phạt tơi bời”.

Nhiều công nhân còn cho biết, càng gần Tết, dịch vụ cho vay tiền hoạt động càng rầm rộ. Từ quảng cáo trên Zalo, Facebook, nhắn tin điện thoại đến tờ rơi dán cột điện, nhà trọ. Thậm chí, các đầu nậu còn canh giờ tan ca để đến tận cổng công ty phát tờ rơi quảng cáo hoặc trà trộn vào làm công nhân để mời mọc cho vay tiền...

Làm sao để không mắc bẫy?

Khi được hỏi, nhiều công nhân đều thừa nhận, mặc dù biết vay tín dụng đen sẽ rất cực, nhưng họ không “cưỡng” lại được nhu cầu trước mắt. Bởi ai cũng muốn về quê ăn Tết phải tươm tất, từ điện thoại, quần áo, quà cáp đến chi tiêu…

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Cao Hữu Trí- chuyên gia tài chính phân tích: “Là người làm ở ngân hàng, nhưng tôi khuyên anh chị em công nhân đừng vay tiền nếu tiền đó không “đẻ” ra tiền, không vay nếu tiền đó đi vào mục đích tiêu sản như mua sắm quần áo, ăn uống… Vay tiền mà tạo ra tài sản hãy vay. Đừng vay để tiêu Tết, đừng vay để mua vé tàu xe về Tết, ăn Tết, chơi Tết. Nếu muốn về thăm nhà mà tài chính lại eo hẹp, để ra Tết hãy về, vì khi đó mọi thứ không còn đắt đỏ, phù hợp với thu nhập của mình. Đừng để đến khi túng thiếu lại đi vay, hãy nghĩ đến việc tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu. Tiết kiệm không bao giờ là muộn cả”.

Trong khi đó, hiện nay, hệ thống Công đoàn cũng đang có nhiều chương trình hỗ trợ cho công nhân vay tiền. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt- Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP: “Hiện CEP đang có 35 chi nhánh tại 9 tỉnh, thành phố và đang phục vụ 336.452 khách hàng với tổng dư nợ trên 4.500 tỷ đồng. Trong đó, CEP đang hợp tác với 5.266 Công đoàn cơ sở để đưa các dịch vụ đến tay hàng trăm ngàn công nhân”.

Cũng theo ông Đạt, công nhân có thể tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của CEP như: Tiết kiệm đoàn viên, các gói tín dụng (tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập; sản phẩm tín dụng sửa chữa nhà; sản phẩm tín dụng học nghề...). Hạn mức vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất bình quân từ 0,5%-0,65%/tháng, khoản vay được hoàn trả dần hằng tháng. Bên cạnh đó, còn nhiều chương trình hướng về thành viên và cộng đồng như: Mái nhà CEP, học bổng CEP, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ khẩn cấp… giúp họ thoát khỏi khó khăn, cải thiện và vươn lên trong cuộc sống.

 

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn