Giao Bộ LĐ-TB&XH trình phương án nguồn lực thực hiện lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1993

11/11/2020 08:42 AM


Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn các ĐBQH, diễn ra sáng nay (10/11).

Tại Phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn các ĐBQH đã dành nhiều thời gian thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn về nhiều vấn đề thời sự, được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận quan tâm. Qua đó, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH. Các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trực tiếp nhiều lần trình bày, trả lời các câu hỏi với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của ĐBQH và cử tri cả nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 và thời gian tới.

Thủ tướng cho biết, 6 năm qua, Việt Nam đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD- tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững, nhất là ở nông thôn, miền núi, đồng bào DTTS. Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các KCN. Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến của ĐBQH về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người nghỉ hưu trước 1993 và giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để thực hiện.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã tận dụng tốt cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin về một Việt Nam độc lập, khát vọng, tự cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước. Trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kép, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều nước Châu Âu áp dụng tái phong tỏa, vì vậy chúng ta không được chủ quan lơ là, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vắc-xin, phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội...

“Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã tập trung xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, vẫn còn những hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và DN”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, mức tăng trưởng đề ra cho năm 2021 còn khiêm tốn, nhưng tình hình dịch bệnh còn phức tạp, những diễn biến trên thế giới có thể đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế, mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết. Bên cạnh đó, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế; thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) thông qua tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc.

Về bài toán cân đối ngân sách, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6%, thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng (giảm 170.000 tỷ đồng so với năm 2020). Vì vậy, theo Thủ tướng, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh-Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ; tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế...

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Lê Thanh Vân (Cà Mau) về chọn những người có đạo đức, có tài và có tầm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm để làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. “Người tài không chỉ làm trong nhà nước, mà có thể làm ở DN tư nhân, DN nước ngoài, trong lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước… nhưng nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước”- Thủ tướng nói.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn