Nhân lực Việt Nam cần phải thích ứng cao với những thay đổi của thế giới

09/10/2020 07:52 AM


Đây là nhận định được ra ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu” do Trường ĐH Thương mại và ĐH Lao động- Xã hội phối hợp tổ chức.

Toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức to lớn về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường. Những thách thức đó đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức và hành động ở quy mô toàn cầu của những “công dân toàn cầu”. Toàn cầu hóa tạo điều kiện thuận lợi để mỗi công dân trở thành công dân toàn cầu. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của CNTT, khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả với mục đích có đội ngũ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp có chất lượng, tự tin tham gia thị trường lao động trong nước cũng như các nước trên thế giới, trở thành những công dân toàn cầu.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thừa- Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, có ba yếu tố tạo nên thước đo về năng lực là: Kiến thức, kỹ năng và thái độ. Nhiều người Việt Nam được thế giới và các nước sở tại tôn vinh. Tuy nhiên, đôi lúc rất lãng phí nhân lực, bởi nhiều trường hợp ở trong nước được đánh giá rất tốt nhưng khi ra nước ngoài thì phải đào tạo lại vì không bắt kịp được với trình độ tiên tiến. Do đó định hướng toàn cầu, công dân toàn cầu là bắt buộc và phải gia nhập những sân chơi toàn cầu để uy tín quốc gia và công dân sẽ được nâng lên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Xuân Bá- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, điều kiện để lao động Việt Nam có thể làm việc được ở mọi nơi trên thế giới gồm 4 yếu tố, đó là: Ngoại ngữ- yêu cầu bắt buộc; kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc; hiểu biết văn hóa nước sở tại; sức khỏe tốt. Song, theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đang được xếp thứ hạng thấp, có xu hướng giảm xuống. Trong khi Việt Nam đào tạo tiếng Anh chỉ để sinh viên vượt qua các kỳ thi mà chưa chú trọng đào tạo sinh viên làm việc trong môi trường quốc tế. Cùng với đó, kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam còn yếu trong khi lý thuyết rất giỏi, lại chưa thực sự có tác phong công nghiệp.

Chính vì vậy, phải đào tạo người Việt Nam theo hướng làm việc, có mặt ở các tổ chức quốc tế, có khả năng làm việc ở môi trường quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia… Lao động Việt Nam phải có có năng lực thích ứng cao; có thể tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tăng cường đào tạo ngoại ngữ- nhất là tiếng Anh; chú trọng đào tạo các kỹ năng cho người học…

Cũng theo ông Lê Xuân Bá, để nhân lực Việt Nam có thể làm việc được ở mọi nơi, trong giai đoạn tới phát triển nhân lực cần tuân thủ một số yêu cầu: Việt Nam phải có đủ nhân lực có khả năng làm việc được tại các tổ chức quốc tế, tập đoàn xuyên quốc gia và những nước có các mối quan hệ tốt với Việt Nam, nhất là quan hệ về kinh tế. Nhân lực Việt Nam phải có năng lực thích ứng cao với những thay đổi “chóng mặt”, “khó lường” của tình hình khu vực và thế giới; có khả năng đưa ra các giải pháp sáng tạo trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhân lực Việt Nam phải có đủ năng lực và phẩm chất để tham gia có trách nhiệm và hiệu quả với cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn