Chỉ thị của Thủ tướng: Cơ quan Nhà nước hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng 01 lần

25/08/2020 07:20 AM


Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Mỗi năm, ước tính lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 04 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương, thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Động thái của Việt Nam đối với vấn đề ô nhiễm nhựa

Các sản phẩm nhựa dùng một lần (túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...) chủ yếu được tái chế từ nhựa đã qua sử dụng, vì vậy, một số hóa chất như chất hoá dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng, gây nguy cơ ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ em, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sảy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khoẻ con người. Đối với môi trường, mặc dù chỉ sử dụng thời gian rất ngắn rồi vứt bỏ, song sản phẩm nhựa dùng một lần lâu phân huỷ, tác hại tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái trên trái đất (theo các nhà khoa học, phải mất từ 500 - 1000 năm, túi nilon mới bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên).

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam – với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Tiếp tục yêu cầu hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong công sở

Ngày 20/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về Tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, yêu cầu trước ngày 30/10/2020, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Chỉ thị hoặc Kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý, chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (túi nilon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị, chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ, khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý; thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa, phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

Chỉ thị số 33/CT-TTg

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn