Bổ sung quy định phạm nhân không có thẻ BHYT được điều trị HIV/AIDS miễn phí

12/08/2020 08:08 AM


Chiều 11/8, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 2 nguyên tắc căn bản, đó là tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng chống HIV/AIDS của mọi đối tượng. Cụ thể, dự thảo đã bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Dự thảo cũng điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng chống HIV/AIDS như: Cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV…

Đặc biệt, dự thảo Luật đã giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV, thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ.

Nhằm khuyến khích việc tự nguyện xét nghiệm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số Chứng minh nhân dân hoặc số Thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm, để nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Bên cạnh quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ BHYT đối với người có thẻ BHYT theo yêu cầu chuyên môn, dự thảo Luật còn bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận BHYT của các phạm nhân.

“Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế”- ông Nguyễn Thanh Long giải thích.

Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí KCB cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV. Cụ thể, những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV gồm: Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS; người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan BHXH khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin KCB BHYT cho người nhiễm HIV; người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở KCB khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin KCB cho người nhiễm HIV.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, sau khi Luật Phòng chống HIV/AIDS năm 2006 được ban hành, tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm, số ca nhiễm phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP.HCM, đến nay, trên toàn quốc đang có 212.000 người nhiễm HIV và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Hằng năm, các cơ sở phòng chống HIV/AIDS đã tạo điều kiện tiếp cận, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV cho gần 700.000 người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, điều trị cho gần 53.000 người nghiện ma túy, điều trị cho 144.600 người nhiễm HIV và dự phòng cho gần 2.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt 3 giảm: Giảm số người mới nhiễm HIV, giảm số chuyển sang AIDS và giảm tử vong; kiểm soát tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Theo đánh giá của UNAIDS, từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã dự phòng cho 400.000 người không bị lây nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Việt Nam là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới, với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn