Đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng gói an sinh 62.000 tỷ đồng

05/08/2020 08:20 AM


Bộ LĐ- TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho vay từ gói 62.000 tỷ đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp .

Bộ LĐ- TB&XH đã có Tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Bộ LĐ- TB&XH, tính đến ngày 27/7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng. Kho bạc bạc Nhà nước trung ương đã thực hiện giải ngân 11.920,865 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 11.964.652 người và 12.784 hộ kinh doanh, gồm: đối tượng là NCC với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ 11.562.186 người với kinh phí là 11.504,656 tỷ đồng; đối tượng là NLĐ đã được hỗ trợ 402.466 người với kinh phí là 403,425 tỷ đồng; Chi cục Thuế đã thực hiện thẩm định được 22.908 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ...

Thống kê của các Trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 569.929 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2019 (389.088 người). Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 507.585 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (385.055 người). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là  934.162 lượt người, tỷ lệ này giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2019 (176,5%); số người được hỗ trợ học nghề là 13.476 người, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019 (19.172 người).

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tính đến ngày 30/6/2020, có 1.519 đơn vị SDLĐ được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 138.076 NLĐ, với tổng kinh phí gần 475,33 tỷ đồng.

Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng NCC với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đối với việc hỗ trợ NLĐ, hộ kinh doanh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ NLĐ còn ít, nhất là NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương tại DN 15.909 là người (dự kiến ban đầu là 1 triệu người); người SDLĐ vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc…

Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các DN trong nước cũng đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ, đồng thời, trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện việc hỗ trợ các nhóm đối tượng và để tiếp tục hỗ trợ DN và NLĐ vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ LĐ- TB&XH đề xuất: Mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người SDLĐ vay đến hết tháng 12/2020 và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người SDLĐ đủ điều kiện được vay vốn.

Theo đó, đối với Nghị quyết số 42/NQ-CP, bổ sung đối tượng là NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng (khoảng 145.000 giáo viên); thời gian hỗ trợ tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng. Bên cạnh đó, người SDLĐ có khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền LTT vùng để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4- 12/2020 đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐ- TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng liên tục trở lên (tính từ 1/4 đến 30/6) mà DN không còn nguồn tài chính để trả lương thì đơn vị lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ NLĐ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời với người SDLĐ có doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu tại thời điểm xét hưởng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 sẽ được vay vốn ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn