Sẽ mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội

31/07/2020 08:22 AM


Thời gian tới, chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật…

Theo ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành hệ thống văn bản quy định chế độ chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, trên các phương diện chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 3 triệu người, hàng triệu người được hỗ trợ lương thực hằng năm, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng trăm nghìn nhân viên làm công tác xã hội, xây dựng và phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội, công tác xã hội cả ở cộng đồng và trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Các chương trình chăm sóc NCT, NKT, người tâm thần, nạn nhân bom mìn, trẻ em ĐBKK... đã trợ giúp cho hàng trăm nghìn người khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư được nâng lên. Tuy nhiên, tư duy và nhận thức về trợ giúp xã hội chưa đồng nhất; còn tư tưởng coi trợ giúp xã hội là làm nhân đạo, từ thiện; hệ thống chính sách, giải pháp chưa thật sự đáp ứng được đòi hỏi trong thực tiễn; còn một bộ phận dân cư chưa tiếp cận chính sách; văn bản pháp luật còn chậm đi vào cuộc sống, chồng chéo nội dung, các điểm tổ chức thực hiện; nguồn lực chưa được huy động tương xứng.

Tại hội thảo: “Định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội và ứng dụng CNTT” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, bà Caitlin Wiesen- Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống bảo trợ xã hội cần ứng phó được với các cú sốc và bao trùm, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. “Kinh nghiệm từ một số tỉnh ở Việt Nam và đặc biệt là kinh nghiệm quốc tế cho thấy ứng dụng CNTT trong đăng ký và xác minh đối tượng được thụ hưởng, thông qua hệ thống nhận diện điện tử và các giải pháp thanh toán điện tử có vai trò rất quan trọng việc đảm bảo chi trả kịp thời và hiệu quả cho các đối tượng được trợ giúp. Điều này đỏi hỏi cam kết mạnh mẽ và vai trò lãnh đạo của chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của các bộ chủ quản và các đơn vị cung cấp dịch vụ, như ngân hàng thương mại, tiền tệ điện tử trên thuê bao di động, và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và công nghệ thông tin”- bà Caitlin Wiesen cho biết.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Ngọc Toản- Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chính sách trợ giúp xã hội trong thời gian qua đã giúp xã hội đổi mới nhận thức về trợ giúp xã hội, nhìn nhận trợ giúp xã hội không chỉ là công cụ hỗ trợ thực hiện quyền của người dân, mà là đầu tư phát triển. Cùng với đó, chính sách trợ giúp xã hội đã từng bước mở rộng đối tượng thụ hưởng, trong đó, đã tính đến ưu tiên các nhóm khó khăn như trẻ em, phụ nữ, NKT. Đồng thời, chính sách đã điều chỉnh chế độ phù hợp với nhu cầu của người hưởng lợi, phù hợp điều kiện kinh tế và hệ thống an sinh xã hội…

Tuy nhiên, trong thời gian tới, chính sách trợ giúp xã hội sẽ đổi mới theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chính sách như sửa Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, sửa đổi Nghị định 136/2013/NĐ-CP, ban hành bổ sung chính sách chưa được thể chế hóa như chính sách về công tác xã hội, chính sách về cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội… Cùng với đó, sẽ nâng mức chuẩn, mở rộng đối tượng hưởng theo hướng ưu tiên khó khăn, hướng đến phổ cập đối tượng, tích hợp chính sách, hệ thống tổ chức thực hiện. Ngoài ra, sẽ xây dựng hệ thống đăng ký hưởng chính sách và chi trả điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia an sinh xã hội nhằm tiết kiệm chi phí hành chính, hạn chế sai sót, tăng cường minh bạch…

Theo http://baobaohiemxahoi.vn