Khắc ghi và tri ân

27/07/2020 08:34 AM


Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương vẫn còn hiện hữu trong lòng những người lính năm xưa cũng như nhân dân cả nước. Nếu không có những hy sinh xương máu của các thương, bệnh binh và người có công với cách mạng (NCC) thì đất nước khó có được như hôm nay. Đời sống NCC luôn đảm bảo

Cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ chống quân xâm lược đã đem lại cho đất nước nền hòa bình, độc lập, đem lại cho nhân dân ta sự tự do, hạnh phúc. Nhưng để có được độc lập  tự do ấy, hàng triệu người đã ngã xuống, đánh đổi cuộc sống của mình cho đất nước trường tồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ. Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc…”. Và ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”; tự tay Người đã cởi chiếc áo rét đang mặc, mỗi tháng nhịn một bữa ăn dành cho người chiến sĩ đang chiến đấu nơi chiến trường.

Người có công luôn được chăm lo chu đáo

Thực hiện lời dặn của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa đối với NCC và gia đình NCC. Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà còn của cả xã hội và các tầng lớp nhân dân. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC đã từng bước được hoàn thiện. Đối tượng NCC ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi được từng bước nâng cao gắn với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC…

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, hiện cả nước có hơn 9,2 triệu NCC, trong đó gồm: Gần 1,2 triệu liệt sĩ; hơn 138.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến... 73 năm qua, Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, NCC. Các hoạt động “Đền ơn- đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu. Các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sĩ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, trên 9.600 nghĩa trang liệt sĩ và công trình tưởng niệm cả nước đã được tu sửa. Các ngành chức năng và các địa phương đã tiến hành quy tập và tiếp nhận hơn 780.000 mộ phần liệt sĩ; tiếp tục tổ chức tìm kiếm, bổ sung hồ sơ và truy tìm tên tuổi, địa chỉ, quê quán thân nhân gia đình liệt sĩ. Việc quản lý các nghĩa trang được các địa phương thực hiện chu đáo, những phần mộ bị hư hỏng được tu sửa kịp thời, các nghĩa trang được chăm sóc thường xuyên; việc lập danh sách, vẽ sơ đồ phần mộ đã được quan tâm thực hiện nhằm xây dựng nghĩa trang liệt sĩ trở thành một vườn hoa tưởng niệm... “Phong trào này đã đi sâu vào tình cảm mỗi người, nhiều hình thức hoạt động tình nghĩa thiết thực nảy nở trong các địa bàn dân cư, phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Đặc biệt, hầu khắp các tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng các khu điều dưỡng thương, bệnh binh…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Luôn ưu tiên chăm lo NCC

Chiến tranh đã lùi xa, cùng với sự chăm lo của Nhà nước, nhiều tấm gương thương binh ở mọi miền đất nước đã và đang thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, khi họ nỗ lực vượt lên bệnh tật, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đơn cử như thương binh Đinh Lời đã trở thành một trong những người giàu nhất TP.Hội An (Quảng Nam). Phát huy truyền thống của làng mộc Kim Bồng, từ một người thợ bình thường, anh dần làm chủ một DN sản xuất hàng mộc mỹ nghệ xuất khẩu với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập cao. Điều giúp anh Đinh Lời có được thành công chính là nhờ phẩm chất người lính, không quản ngại khó khăn gian khổ và luôn có tấm lòng nhân ái. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho con em thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, anh còn tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo, cứu trợ nạn nhân bão lũ…

Cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan còn chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội do chiến tranh để lại. Với tinh thần trách nhiệm, kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý dân tộc, hệ thống chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC thường xuyên được quan tâm sửa đổi đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển đất nước. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, động viên các thế hệ tương lai biết ơn và trân trọng những giá trị nhân văn của dân tộc.

Đặc biệt, hằng năm NSNN dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ. Gần 1,5 triệu NCC được hưởng trợ cấp hằng tháng, hàng chục ngàn con thương, bệnh binh, liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục, chăm sóc y tế; gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Các địa phương còn ưu đãi các gia đình NCC về cấp đất ở, hỗ trợ cho vay vốn sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Mức trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được bảo đảm tương xứng với mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, nên đã góp phần ổn định và từng bước nâng cao mức sống của các gia đình NCC. Đáng chú ý, không một địa bàn hành chính, một tổ chức chính trị-xã hội, ban ngành, hay cơ quan, đoàn thể nào đứng ngoài phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”- đây chính là một nét đẹp của văn hoá Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt các thương bệnh binh tiêu biểu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội”. Bởi vậy, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần bố trí tăng NSNN, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi NCC; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách TTHC trong xác nhận NCC qua các thời kỳ kháng chiến… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để NCC thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước…

Theo http://baobaohiemxahoi.vn