Phao cứu sinh của người bệnh

25/06/2020 09:58 AM


Tôi gặp hai mẹ con Lê Bảo Anh khi đến thăm một bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Cậu bé vừa mới ngủ dậy, phụng phịu đòi mẹ. Câu chuyện giữa tôi với người mẹ, thi thoảng phải dừng lại vì một cơn đau bất chợt kéo đến hành hạ Bảo Anh. Chị Trần Linh Nga, mẹ của em nói: “Con đã trải qua 14 đợt hóa trị và 2 cuộc phẫu thuật lớn, vì căn bệnh u não”.

(Ảnh minh họa)

Nhà chị Linh Nga ở ngay huyện Đan Phượng, Hà Nội nên khi con có triệu chứng là vợ chồng chị đưa Bảo Anh đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và được chẩn đoán bệnh sớm. Sau một ngày thực hiện các loại xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), Bảo Anh bị xác định u não. Khối u nằm ở phía sau gáy, trên cột tủy sống, vị trí nguy hiểm nhất. Chị Nga kể: “Trước đấy con chưa từng uống thuốc kháng sinh hoặc gặp bác sĩ bao giờ, thậm chí cảm sốt, ho, hầu như cũng chưa xảy ra. Bé ăn ít nhưng trộm vía nhanh nhẹn và cứng cáp. Đến tháng 14, Bảo Anh bắt đầu có những dấu hiệu như chân tay co giật, quấy khóc. Chị nghĩ chắc do hệ xương con yếu, thiếu canxi, một phần khả năng di truyền từ mẹ. Tuy nhiên, những triệu chứng xuất hiện ngày càng dày đặc. Chị đưa Bảo Anh lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám và ở lại điều trị từ đó đến nay.

Tròn 14 tháng nằm trong bệnh viện nhưng chị Nga vẫn không thể nào quên hình ảnh khi cầm tờ kết quả chẩn đoán bệnh của con ở trên tay. Chị tâm sự “hai vợ chồng bước ra cổng viện, tìm một quán cà phê nhỏ bên đường. Một tỷ câu hỏi trong đầu. Tại sao chuyện này lại rơi vào Bảo Anh. Con có chịu được không. Thẫn thờ một lúc, hai vợ chồng chị quyết định nói chuyện với gia đình 2 bên nội ngoại. Ngay đêm ấy, bà ngoại sang với Bảo Anh, đêm ấy và nhiều đêm nữa bà thức trắng, vì tin khủng khiếp này. Ông nội vốn là người rất cứng cỏi mà khi nhận tin cũng khóc. Bà nội sau này bảo: “Mẹ cả đời thấy bố mày khóc 02 lần, một lần là khi cụ mất, lần thứ hai khi nghe tin cháu bệnh".

Phía đầu dây bên kia, bác sĩ bảo, gia đình cho con nhập viện ngay lập tức. Chị Nga hốt hoảng nhưng vẫn kịp nói một câu: Em xin cho con về nhà 1, 2 hôm để gia đình chuẩn bị tinh thần, ngày kia vào viện ạ. Trở lại bệnh viện đúng theo lịch hẹn, ca phẫu thuật đầu tiên trong đời của Bảo Anh diễn ra thuận lợi. Con đáp ứng thuốc tương đối tốt, các dấu hiệu hồi phục rất nhanh, chị Nga có phần an tâm.

Lần mổ thứ hai diễn ra sau một tuần để cắt khối u. Hôm đó con phải dậy sớm và sẵn sàng từ 7h sáng. Bác sĩ đưa cho chị Nga một cái áo bệnh nhân để chuẩn bị bước vào phòng mổ. Rồi chị bế con đi theo bác sĩ, bảo con: "Đi chơi nhé", cậu bé rất hào hứng. Nhưng ngay khi bước vào khu phẫu thuật, bằng một cảm quan nào đó, Bảo Anh nhận ra và nói: "Con không chơi nữa đâu, mẹ cho con về đi".

Càng đến gần phòng phẫu thuật, Bảo Anh ôm mẹ càng chặt. Khi bác sĩ chụp gây mê vào mặt, con ngất, đồ chơi cũng rơi theo. Ca mổ bắt đầu từ 8h sáng nhưng tới 5h chiều mới kết thúc. Suốt 09 tiếng đồng hồ ở ngoài phòng mổ, hai vợ chồng chị Nga cùng với họ hàng nội ngoại cứ đi đi lại lại, không ai nói gì với ai một lời. Ruột nóng như lửa đốt. Đến 22 giờ đêm, tiếng gọi của một cô y tá điều dưỡng thông báo: Người nhà bệnh nhân Lê Bảo Anh vào thăm bệnh nhân. Chỉ 5 phút được nhìn con qua một tấm kính trong suốt ở phòng hậu phẫu, chị chỉ thấy xung quanh con là một mớ dây chằng chịt, giữa không gian yên tĩnh của bệnh viện, chỉ có tiếng cái máy báo chỉ số sống của bệnh nhân liên tục kêu: tít... tít... tít...

Trong thời gian ở bệnh viện, giường bên cạnh liên tiếp bệnh nhân vào rồi ra, toàn những ca bệnh nặng, Bảo Anh vẫn bé nhất phòng. Con được truyền 600ml sữa mỗi ngày và cứ đều đặn như thế đến sau hơn một tháng, Bảo Anh bắt đầu tỉnh, thèm ăn. Nếu gặp, mọi người sẽ thấy Bảo Anh như một em bé bình thường, không có bất cứ dấu hiệu vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn. Con nhớ mọi người, nhớ cả mọi việc đã trải qua.

Hai cuộc phẫu thuật chỉ là bước đầu, phác đồ hoá trị và xạ trị của con gồm 16 đợt và kéo dài 16 tháng. Sau khi hồi phục vết mổ, Bảo Anh được chuyển xuống khoa ung bướu. Tại đây, con có nhiều bạn cùng trang lứa, ai cũng chungmột đặc điểm là cái đầu trọc nên cảm giác không còn lạc lõng. Bảo Anh bắt đầu hoà nhập và tình cảm với tất cả các bạn.

Mỗi đợt hóa trị của con kéo dài 2 tuần, sau đó thì con được truyền các loại thuốc bổ trợ và cứ kiên trì, nhích dần từng bước đến gần hết phác đồ điều trị, sức khỏe của Bảo Anh tốt hơn rất nhiều. Con thông minh, lanh lợi, có thể đọc được bảng chữ cái tiếng Việt chỉ trong nháy mắt. Những lúc rảnh rỗi, không vướng bận vào giờ truyền thuốc, con cùng với các bạn xuống phòng cộng đồng học tiếng Anh, học hát và xếp hình lego.

Chị Trần Linh Nga chia sẻ: Bảo Anh mới được 28 tháng tuổi nên mọi chi phí điều trị từ thuốc, giường, hóa chất đều được quỹ BHYT chi trả 100%. Gia đình không phải tốn kém gì nhiều, chỉ mất một ít tiền thuê trọ cho người thân ở trong thời gian mổ. Theo tính toán của chị Nga, nếu con không có thẻ BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi, có thể số tiền điều trị đến lúc khỏi bệnh lên tới hơn 300 triệu đồng. Chị Nga phân tích, ở trong phòng bệnh của con đang điều trị, có một bạn cùng phác đồ như Bảo Anh nhưng mã quyền lợi thẻ BHYT học sinh, sau khi ra viện gia đình đồng chi trả thêm 40 triệu đồng.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc Lan - Trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Là bệnh viện tuyến cuối điều trị cho các bệnh nhân nhi nên phần lớn các em vào đây đều có thẻ BHYT là “tấm bùa hộ mệnh đi cùng”. Nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ gây khó khăn cho không những họ mà kể cả bác sĩ. Vì thuốc đặc trị ung thư ác tính rất đắt, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém, thậm chí nhiều gia đình khánh kiệt kinh tế. Trong phác đồ điều trị, các chỉ định của bác sĩ đều hướng đến các nhóm thuốc có trong danh mục chi trả của quỹ BHYT nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân mua thêm thuốc bên ngoài rất hãn hữu, chủ yếu là các loại vitamin bỗ trợ, bồi bổ tăng cường thêm cho sức đề kháng. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có sức khỏe tốt thì cũng không cần thiết, trong chỉ định của bác sĩ theo danh mục BHYT chi trả cũng đã có đầy đủ tất cả các loại thuốc, hóa chất cần thiết hỗ trợ cho nhau.

“Tại bệnh viện Nhi Trung ương, bình quân, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa ung bướu. Trong đó, bệnh nhân nhi u não chiếm 40%. Nếu phát hiện sớm, có thể bệnh nhân được chữa khỏi dứt điểm, tỷ lệ tái phát rất ít. Trường hợp Lê Bảo Anh, bé được phát hiện và điều trị kịp thời với phương pháp tối ưu nên chỉ cần 2 lần hóa trị nữa, con sẽ khỏe mạnh bình thường như bao nhiêu bé khác”, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Ngọc Lan khẳng định.

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/