Cuốn “sổ gạo” của NLĐ

23/06/2020 07:24 AM


Trong khi hoạt động kinh tế- xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới thì nhiều NLĐ vẫn không có thu nhập hoặc thu nhập giảm sâu do mất việc làm, chưa tìm được việc mới. Lúc này, trợ cấp thất nghiệp đã giúp họ vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.

“Cầm chắc” sổ BHXH trong tay

8 giờ sáng, Trung tâm DVVL Hà Nội (quận Cầu Giấy) đã đông nghịt người chờ lấy số thứ tự. Nhiều người cho biết, họ phải xếp hàng từ 5, 6 giờ sáng, thậm chí có người từ một số huyện ngoại thành phải đi từ 4 giờ sáng để kịp “chen chân” lấy số. Do số lượng người đến giao dịch các tuần gần đây tăng đột biến, nhiều người chậm chân đành phải quay về…

NLĐ chờ làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp tại Trung tâm DVVL Hà Nội

Chị Nguyễn Thu Hà (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong hàng trăm người đang chờ đến lượt cho biết: “Tôi cứ tưởng đi sớm cho mát, ai dè “sức nóng” của hàng dài người xếp số còn cao hơn nhiệt độ của thời tiết. Thế mới biết, không chỉ mình khổ vì mất việc mà rất nhiều người cùng chung hoàn cảnh. Mất việc buồn thật đấy, nhưng là tình trạng chung. May mắn Công ty có đóng BHXH nên khi nghỉ việc mới có thể làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chứ đã mất việc, lại không có đồng nào thì khổ hơn nhiều”.

Cũng như chị Hà, chú Doãn Kế Thành (Đống Đa, Hà Nội) làm nghề điện máy đã hơn 20 năm chia sẻ: “Công ty gặp khó do không bán được hàng nên những lao động cao tuổi như tôi bị nghỉ việc. Có chút tiền bảo hiểm, tôi định lĩnh một lần, nhưng nghĩ lại còn ít năm nữa là đủ điều kiện lĩnh lương hưu, rút ra thì phí quá nên đến đây làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Sổ BHXH giờ quý như “sổ gạo” ngày xưa. Nhiều ít gì thì đó cũng là khoản tiền quý giúp mình vượt qua khó khăn trước mắt”.

Đồng cảnh ngộ, anh Văn Toàn (quê Phú Thọ) cho biết, số tiền tiết kiệm của anh đã chi tiêu hết vào đợt dịch vừa qua. Hôm nay, anh đến sớm để làm thủ tục nhận trợ cấp với số tiền ước khoảng 7 triệu đồng. “Sợ nhất cảnh đông người chen lấn nên luôn phải cầm chắc sổ BHXH trong tay để tránh bị thất lạc. Xong xuôi thủ tục thì cũng phải về cất kỹ để sau đi làm còn đóng BHXH tiếp…”- anh Toàn cười bảo.

Chia sẻ khó khăn

Ông Lê Hải Anh- Phó Trưởng phòng BH thất nghiệp (Trung tâm DVVL Hà Nội) cho biết, trong tháng 5, Trung tâm đã tiếp nhận gần 11.700 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm nhận hơn 4.500 hồ sơ, riêng ngày 11/6 đã giải quyết cho 460 hồ sơ mới, trả kết quả cho 589 người và tiếp nhận khai báo tình trạng tìm kiếm việc làm cho hơn 920 lượt người…

Trong số người đến giao dịch tại Trung tâm có tới 80% liên quan đến chính sách BH thất nghiệp. Trong đó, NLĐ nữ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 30%, trên 35 tuổi chiếm 30%; lao động nam dưới 35 tuổi 23% và trên 35 tuổi chiếm 22%. NLĐ thuộc nhiều ngành nghề như: Nhân viên bán hàng, kỹ thuật điện tử, kế toán, công nhân may mặc, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật xây dựng…

“Vào quý II, đầu quý III là thời điểm NLĐ đến làm thủ tục BH thất nghiệp nhiều nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay do tác động kép của nhiều yếu tố, lượng người đến giao dịch tăng lên gấp nhiều lần so với các năm trước. Từ nay đến hết tháng 7, áp lực sẽ còn lớn hơn nữa. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ đông hơn vì khoảng tháng 4 mới bắt đầu mất việc”- ông Hải Anh cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu của NLĐ, Trung tâm đã tăng cường nhân lực cho bộ phận “Một cửa” lên 24 người; đồng thời phân công cán bộ làm thêm giờ để cố gắng giải quyết nhanh nhất lượng hồ sơ tiếp nhận trong ngày theo đúng lịch hẹn. Việc tiếp nhận hồ sơ được phân luồng ngay từ đầu nên đã tạo điều kiện thuận tiện nhất cho NLĐ trong việc nộp hồ sơ, giảm bớt việc đi lại do sai, thiếu giấy tờ thủ tục. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thí điểm App ứng dụng qua điện thoại di động để đăng ký lấy số thứ tự online, hẹn giải quyết thủ tục theo ngày, theo giờ để NLĐ tiết kiệm được thời gian, công sức…

“Mặc dù áp lực công việc thời gian này rất lớn nhưng trên tinh thần chia sẻ cùng NLĐ, chúng tôi đều cố gắng hết sức. Tiền trợ cấp thất nghiệp là mồ hôi, công sức của NLĐ, là quyền lợi chính đáng của họ, vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực để họ được nhận đúng, nhận đủ, sớm ổn định cuộc sống. Qua đây, tôi hy vọng rằng, nhiều NLĐ sẽ thấy được ý nghĩa thiết thực của việc tham gia BHXH…”- ông Hải Anh chia sẻ.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn