Hỗ trợ toàn diện, bao trùm và bền vững người nghèo

13/06/2020 02:32 PM


Ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020 và đề xuất xây dựng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021- 2025.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 trở về trước, hộ nghèo được xác định là hộ gia đình có mức thu nhập (bình quân đầu người) thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo. Từ giai đoạn 2016- 2020, người nghèo, hộ nghèo đã được xác định dựa trên cả tiêu chí về thu nhập và mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020.

Theo đó, ngoài tiêu chí thu nhập còn có nhóm tiêu chí về các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm năm dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020 đã bộc lộ nhiều nội dung lạc hậu, bất cập sẽ không còn phù hợp với việc triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của giai đoạn 2021- 2025.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp cận chuẩn nghèo là căn cứ đo lường, giám sát mức độ thiếu hụt thu nhập và các dịch vụ xã hội của người dân một cách khách quan, cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách khác để giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong các tiêu chuẩn đánh giá như: chỉ số thu nhập, một số tiêu chuẩn đo lường về y tế, giáo dục người lớn, nước sinh hoạt, vệ sinh,… Chỉ số giá trong giai đoạn 2016- 2020 tại thời điểm hiện nay được đánh giá là thấp, không phản ánh khách quan thực trạng nghèo theo thời gian. Trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam có nhiều thay đổi, chuẩn nghèo đa chiều cần được xem xét, đánh giá sự phù hợp, tính khách quan và bền vững trong việc xác định hộ nghèo ở địa phương. Việc xây dựng các tiêu chí mới trên cơ sở kế thừa, và khắc phục những hạn chế, giải quyết những vấn đề phát sinh, nhận diện mới để phù hợp với thực tế. Mục tiêu hướng tới hỗ trợ toàn diện người nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân.

Báo cáo đề xuất các phương án chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021-2025, ông Tô Đức- Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới sẽ tập trung điều chỉnh, nâng tiêu chí về thu nhập bằng chuẩn mức sống tối thiểu tính tại thời điểm năm 2020; bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình; hộ nghèo phải đáp ứng cả 02 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm phù hợp với phương pháp luận, bản chất nghèo đa chiều. Chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021- 2025 bao gồm 2 nhóm tiêu chí là: tiêu chí về thu nhập và nhóm tiêu chí về thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tiêu chí về thu nhập được xác định dựa trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dựa trên các thông số kỹ thuật, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuẩn mức sống tối thiểu là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu, ước tính ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, tiêu chí nghèo về thu nhập được đề xuất theo phương án: 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Bên cạnh đó, nhóm tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cũng được kế thừa và bổ sung chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016- 2020, các dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm sáu dịch vụ: y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; việc làm. “Như vậy, ngoài các chiều thiếu hụt của chuẩn nghèo giai đoạn trước, chuẩn nghèo giai đoạn mới bổ sung thêm chiều việc làm. Vì đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian”- ông Tô Đức khẳng định.

Cùng với đó, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất tăng thêm hai chỉ số so với giai đoạn trước trước. Đó là 12 chỉ số gồm: dinh dưỡng; BHYT; trình độ giáo dục, đào tạo của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp cận thông tin; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.

Với tiêu chí về thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản nêu trên, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021- 2025 dự kiến được xác định như sau: Hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn/