Thực hiện chính sách BHYT: Tầm quan trọng của “dịch vụ đầu cuối”

12/06/2020 08:40 AM


Trong ngành Viễn thông có thuật ngữ “thiết bị đầu cuối” mô tả quá trình chuyển đổi tín hiệu, bắt đầu từ thiết bị phức tạp của hãng viễn thông cho đến thiết bị đơn giản cuối cùng của người dùng. Còn với ngành BHXH và Y tế, việc thực hiện dịch vụ BHYT bắt đầu từ việc phát hành thẻ BHYT tới tay người dân đến việc cung ứng dịch vụ y tế cho người tham gia đều hết sức quan trọng. Đây cũng như “dịch vụ đầu cuối” mà 2 ngành cần thực hiện tốt, để tránh xảy ra tình trạng “đầu chắt chiu, cuối ghẻ lạnh” với người tham gia BHYT.

“Ghẻ lạnh…”

Mới đây, nhiều người nhà bệnh nhi bức xúc lên tiếng về tình trạng bác sĩ ở BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) sử dụng nhiều “rào cản kỹ thuật” để buộc bệnh nhi, những người dùng BHYT theo chính sách nhân văn của Nhà nước (miễn phí thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi) để ép sử dụng dịch vụ ngoài BHYT. Theo đó, bà V. (trú huyện Hóc Môn) đưa con trai đến BV Nhi Đồng 2 KCB theo diện chuyển tuyến từ BV quận 12. Tại đây, bác sĩ sau khi thực hiện các xét nghiệm liên quan, đã chẩn đoán “rối loạn tiêu hóa” và kê thuốc ngoài BHYT với lý do thuốc BHYT đã hết. Ngoài ra, bà V. còn được bác sĩ hẹn đưa con tái khám vào ngày nghỉ lễ với lời dặn “có lẽ phải khám dịch vụ…”.

Cấp thẻ BHYT và chăm sóc bệnh nhân BHYT phải chu đáo, đồng bộ

BV Nhi Đồng 2 từng “nổi tiếng” bởi những vấn đề liên quan đến KCB BHYT. Câu chuyện “hết thuốc BHYT” tại cơ sở y tế này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến người có thẻ BHYT bao phen bức xúc. Theo giải thích từ lãnh đạo BV, như trường hợp bà V. có thể… “do bác sĩ nhầm lẫn”.

Câu chuyện bác sĩ tại BV Nhi Đồng 2 “ghẻ lạnh” với người dùng BHYT và “nồng ấm” với dịch vụ ngoài BHYT, dù chỉ khu trú trong phạm vi “nhầm lẫn” như lời giải thích, song tiếng xấu đồn xa, đã ảnh hưởng không chỉ bộ mặt BV mà tới cả ngành Y tế. Đặc biệt, khi sự nghiệp bao phủ BHYT toàn dân mà 2 ngành BHXH và Y tế đang phải cùng dốc sức thực hiện.

KCB BHYT là “dịch vụ cuối” đối với người tham gia BHYT. Người dùng có hài lòng hay không, có tiếp tục tham gia BHYT hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở y tế và đội ngũ y bác sĩ. Thời gian qua, ngành Y tế đã quán triệt trong toàn hệ thống về việc phải nỗ lực thay đổi để người bệnh (trong đó có người bệnh BHYT) được hài lòng tối đa. Nỗ lực này cũng nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Chắt chiu...

Trên thực tế, mạng lưới y tế cả nước với những diện mạo mới đã nhận được sự tin yêu của nhiều người dân, đặc biệt là người có thẻ BHYT. Nhiều BV trên địa bàn TP.HCM đã cố gắng thay đổi mỗi ngày để tạo dựng “dịch vụ cuối”, giúp người có thẻ BHYT hài lòng nhất. Mới đây, BV Chợ Rẫy- cơ sở y tế chuyên sâu hàng đầu khu vực phía Nam còn nỗ lực gia tăng ứng dụng công nghệ (thẻ KCB tích hợp, thanh toán hóa đơn điện tử) để hoạt động KCB BHYT trơn tru, nhanh chóng và an toàn hơn.

Tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt ngưỡng 90%, đồng nghĩa với việc nguồn thu chính yếu của hầu hết cơ sở y tế là từ người dùng BHYT. Bởi cứ 10 người đến BV thì có khoảng 9 người KCB BHYT. Vì vậy, tâm thế trân trọng người dùng BHYT trong hoạt động KCB đã và đang diễn ra trong toàn mạng lưới y tế. Sự “ghẻ lạnh” như tại BV Nhi Đồng 2, dù hình thành bởi nguyên nhân nào đi nữa cũng là điều đáng chê trách.

Ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã hình thành “liên minh” BHXH và Y tế, khi Giám đốc TTYT huyện và Giám đốc BHXH huyện, đã “tay trong tay” rong ruổi khắp các địa bàn để thuyết phục người dân tham gia BHYT. Do đặc điểm dân cư nên “liên minh” này luôn chắt chiu, trân trọng từng tấm thẻ BHYT và từng bệnh nhân BHYT. Qua đó cho thấy, với “dịch vụ đầu”- phát hành thẻ BHYT tốt đẹp thì “dịch vụ cuối”- cung ứng dịch vụ KCB BHYT cũng cần góp sức để gia tăng niềm tin cho chính người có thẻ BHYT bằng việc chăm sóc tận tình, chu đáo.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn