Tai nạn lao động: Nguyên nhân chủ yếu thuộc về chủ DN

11/06/2020 08:17 AM


Đó là chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác ATVSLĐ”, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Better Work Việt Nam vừa tổ chức. Theo đó, 76,9% tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) do lỗi của người SDLĐ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (LĐLĐ TP.HCM) nhấn mạnh, qua thống kê cho thấy, các vụ TNLĐ đa số là do lỗi của người SDLĐ (chiếm tới 76,9% tổng số vụ); lỗi của NLĐ chỉ chiếm tỷ lệ 7,8%; số còn lại 15,3% do các nguyên nhân khách quan khác.

Hiện trường vụ TNLĐ xảy ra mới đây tại Đồng Nai

Theo ông Tuấn, để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ, cần phân định rõ đâu là trách nhiệm của DN, đâu là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong phòng chống TNLĐ-BNN. Bởi theo quy định của pháp luật, trách nhiệm chủ yếu về bảo đảm ATVSLĐ vẫn là của DN, còn Công đoàn chỉ tham gia, giám sát, đôn đốc DN thực hiện.

"Mỗi DN cần phân công cụ thể, xác định trách nhiệm của từng cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ; ban hành quy chế hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Công tác huấn luyện ATVSLĐ cần phải chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ nhằm phòng ngừa và hạn chế TNLĐ-BNN xảy ra"- ông Tuấn kiến nghị.

Bà Hồ Thị Kim Ngân- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng cho rằng, mặc dù đã có nhiều thành tích đạt được, nhưng công tác ATVSLĐ vẫn còn một số hạn chế. Năm 2019, toàn quốc có 8.150 vụ TNLĐ làm 8.327 người bị nạn với 979 người bị chết, 1.892 người bị thương nặng. Tính bình quân mỗi ngày, TNLĐ cướp đi sinh mạng khoảng 3 người và đe dọa sức khỏe của 5 người khác, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.

Ví dụ, vụ TNLĐ xảy ra tại công trình xây dựng của Công ty CP AV Healthcare (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) ngày 14/5 vừa qua đã khiến cho 10 người chết và 14 người bị thương. Về vụ việc này, bà Ngân cho biết, các nạn nhân đều không có HĐLĐ, không tham gia tổ chức Công đoàn và cũng không được tham gia BHXH, BHYT. Trong khi đó, công tác thanh tra, xử lý các vi phạm về lĩnh vực ATVSLĐ còn chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe; số DN được thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATVSLĐ còn ít, chủ yếu là lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra chung về thực hiện pháp luật lao động...

Do đó, các đại biểu cho rằng, việc nhận diện, đánh giá rủi ro, phòng ngừa các nguy cơ gây TNLĐ-BNN là một trong những biện pháp giúp nâng cao điều kiện ATVSLĐ tại nơi làm việc. Việc này đóng vai trò quan trong trong bảo vệ NLĐ và cả DN; giúp cho NLĐ và người SDLĐ có thể nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra TNLĐ và suy giảm sức khỏe của NLĐ, từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả.

TS-BS.Trịnh Hồng Lân- Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ môi trường phía Nam phân tích: Từ thực tiễn công tác bồi dưỡng kiến thức về ATVSLĐ cho thấy, nhiều cán bộ Công đoàn hay người làm công tác về ATVSLĐ ở DN chưa nắm vững các quy định của pháp luật cũng như kiến thức về ATVSLĐ để tham mưu, đề xuất chủ DN thực hiện. Do đó, TS.Lân cho rằng, cần phải nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại DN...

Ngoài ra, Công đoàn một số nơi còn chưa quan tâm đúng mức, không dành nguồn lực cho công tác này; cán bộ Công đoàn làm công tác ATVSLĐ thiếu, kiêm nhiệm nhiều, ít được tập huấn, huấn luyện, thiếu sâu sát cơ sở; hoạt động mạng lưới ATVSLĐ còn hình thức, chưa hiệu quả, chưa có quy chế hoạt động; phong trào ATVSLĐ chưa đều khắp, hình thức, chủ yếu tập trung ở DN lớn, DNNN trong khi DN ngoài nhà nước ít tham gia.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn