Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để về làm chủ được công nghệ, kỹ thuật

11/06/2020 08:12 AM


Sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Dự án Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các ĐBQH nhấn mạnh, cần tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng phải bảo vệ kịp thời, hỗ trợ NLĐ khi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo phù hợp với xu thế chuyển dịch lao động quốc tế, lao động di cư và rủi ro phức tạp khó lường như: Chiến tranh, suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh Covid-19…

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), điểm mới trong dự thảo luật lần này là bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thành phố có thẩm quyền đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc. Quy định được đưa ra bắt đầu từ mô hình của tỉnh Đồng Tháp- khi tỉnh này đã ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn của Nhật Bản, Hàn Quốc và đã đưa được rất nhiều lao động tại địa phương sang đó làm việc mà NLĐ không phải mất bất cứ khoản phí nào.

Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp còn cho thấy, việc quản lý NLĐ ở nước sở tại rất tốt, không có trường hợp NLĐ nào vi phạm, bỏ trốn ở lại sau thời gian làm việc. “Những kết quả tích cực này khác hẳn tình trạng vi phạm hợp đồng của NLĐ, tình trạng lừa đảo NLĐ mà nhiều DN xuất khẩu lao động gây ra. Gần nhất, Hàn Quốc đã công bố danh sách 3 huyện ở Thanh Hóa mà nước này sẽ không tiếp nhận lao động nữa, vì tình trạng lợi dụng chính sách, đi lao động “chui”, trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng…”- ĐB Lợi nhấn mạnh.

Thông tin thêm về mô hình đơn vị sự nghiệp trong dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thành phố đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được thí điểm tại 4 địa phương, trong đó có Đồng Tháp, Ninh Thuận… đều cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác. Bộ LĐ-TB&XH đã tổng kết 2 năm thí điểm mô hình này, với kết quả đánh giá tích cực, nên mới quyết định đưa vào luật sửa đổi này.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông thường, việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thực hiện thông qua DN. Do đó, khi để cơ quan tham mưu của chính quyền cấp tỉnh thực hiện việc này, thì luật phải “khuôn” điều kiện cơ quan này là một đơn vị sự nghiệp, chứ không phải DN và phải hoạt động không vì lợi nhuận và cũng không được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động. “Như ở Đồng Tháp, cơ quan này là Trung tâm DVVL, về bản chất đây là một đơn vị nhà nước; đứng ra ký kết thỏa thuận lao động là UBND- đóng vai trò pháp nhân nhà nước, chứ không phải DN. Tỉnh này đã đưa được nhiều nghìn NLĐ sang Nhật, Hàn làm việc suốt thời gian qua mà không xảy ra sự cố, vướng mắc gì”- Bộ trưởng Dung chia sẻ.

Về mô hình này, ĐB Lê Minh Hoan (Đồng Tháp) cũng khẳng định, thành công nhất của Đồng Tháp trong việc đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài không phải chỉ hướng tới mục đích “xóa đói giảm nghèo” để mong mỗi NLĐ kiếm được 30 triệu đồng mỗi tháng gửi về quê, mà đưa NLĐ đi với tư duy “đi làm thuê để trở về làm chủ”. Theo đó, UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến việc làm thực hiện căn cơ cả 3 giai đoạn: Trước khi đi, trong khi làm việc ở nước ngoài và khi trở về. Đến nay, đã có khoảng 6.000 NLĐ đi theo diện này.

Cũng theo ông Hoan, hiện tỉnh Đồng Tháp đang xúc tiến với nhóm đối tượng là bộ đội xuất ngũ. Trước đó, nhiều nhóm đã được giới thiệu, đưa sang Nhật làm trong hãng Toyota và được đối tác đón nhận. Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp cũng chủ trương đưa người dân ra nước ngoài làm việc tại các trang trại, HTX theo kiểu thời vụ 2-3 tháng hoặc khi nông nhàn, để người nông dân tìm hiểu kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước bạn. Kết quả, nhiều hộ dân sau khi về nước đã bắt chước làm nhà lưới, hệ thống tưới tự động… sản xuất hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, mô hình của Đồng Tháp còn giúp kết nối chặt chẽ hơn với NLĐ. Có những vụ việc, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ UBND báo bị quấy rối tình dục bên đó, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn phía nước bạn cử luật sư xuống hỗ trợ ngay. Việc thẩm định nghiệp đoàn của 2 bên, UBND tỉnh cũng giám sát chặt chẽ…

Theo http://baobaohiemxahoi.vn