Mở rộng dịch vụ công trực tuyến: Ngành BHXH sẵn sàng

18/05/2020 08:41 AM


Chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại có kết nối internet, bất kỳ người tham gia BHYT nào cũng có thể thực hiện giao dịch điện tử TTHC cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, với thời gian tính bằng phút. Năm 2020, người dân sẽ tiếp tục nhận được nhiều tiện ích hơn trong thực hiện các TTHC lĩnh vực BHXH, khi BHXH Việt Nam đã sẵn sàng đưa tiếp 10 dịch vụ công/TTHC tích hợp tại Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Quý II/2020 sẽ cung cấp 10 dịch vụ công lĩnh vực BHXH

Trong Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020, lĩnh vực BHXH có 10 dịch vụ trên tổng số 65 dịch vụ công được ưu tiên tích hợp. Trong đó, có 7 dịch vụ/TTHC đối với đơn vị SDLĐ và 3 dịch vụ/TTHC với cá nhân. BHXH Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ tích hợp chia sẻ dữ liệu về quá trình đóng BHXH, phục vụ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, người sử dụng tra cứu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Nhiều TTHC lĩnh vực BHXH, BHYT đã liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia

Ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) cho biết, trong quý II/2020, dự kiến sẽ có 10 dịch vụ công/TTHC tích hợp tại Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) đã thực hiện khởi tạo các dịch vụ công/TTHC có số thứ tự từ 28 đến 37 tại Danh mục dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 411/QĐ-TTg.

BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện việc kết nối liên thông, xác thực thông tin đăng nhập cho 6 dịch vụ công/TTHC đối với đơn vị SDLĐ, gồm: Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, cấp sổ BHXH và thẻ BHYT; đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện và cấp sổ BHXH; cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết hưởng chế độ ốm đau; giải quyết hưởng chế độ thai sản; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu giải pháp đồng bộ 2 dịch vụ công/TTHC với cá nhân từ Cổng Dịch vụ công quốc gia liên thông tài khoản với Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam, bao gồm: Giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác; người hưởng lĩnh chế độ BHXH bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi tài khoản cá nhân, hoặc thay đổi nơi nhận trong địa bàn tỉnh.

“Sau khi thực hiện xong kết nối liên thông, xác thực thông tin đăng nhập nêu trên thì có thể liên thông cung cấp dịch vụ công từ Cổng Dịch vụ công của Ngành lên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho 8 TTHC này”- ông Phương cho biết thêm.

Với TTHC nộp tiền đóng BHXH tự nguyện và BHYT, Trung tâm CNTT đã có buổi làm việc với Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) để thống nhất phương thức thực hiện. Về mặt kỹ thuật, BHXH Việt Nam có thể tích hợp được dịch vụ này trong quý II/2020 như yêu cầu bằng 2 phương thức: Cho phép thanh toán trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (thông qua Cổng thanh toán của các ngân hàng) hoặc đồng bộ tài khoản đăng nhập từ Cổng Dịch vụ công quốc gia về Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam và thực hiện thanh toán song song giữa hệ thống BHXH Việt Nam và hệ thống các ngân hàng thương mại.

Riêng với nhiệm vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu về quá trình đóng BHXH phục vụ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến và người sử dụng tra cứu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, BHXH Việt Nam cho biết, sẵn sàng chia sẻ quá trình đóng- hưởng như trên Cổng TTĐT của Ngành, tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật, an toàn thông tin đối với người tham gia.

Ưu thế từ hệ CSDL quốc gia và liên thông dữ liệu

Trở thành một trong những cơ quan tham gia cung cấp dịch vụ sớm nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể nói, ngành BHXH đã tạo cho mình ưu thế lớn. Mức độ sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công của ngành BHXH được xác lập trên hệ CSDL quốc gia về bảo hiểm cũng như thực hiện tốt việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan.

Thời gian qua, ngành BHXH đã và đang đẩy mạnh xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, đáp ứng yêu cầu quản lý của Ngành và trích xuất thông tin, dữ liệu phục vụ mục đích khai thác chung của Chính phủ... Một trong những CSDL quan trọng chính là CSDL hộ gia đình tham gia BHYT- được tạo lập năm 2016 với hơn 92 triệu nhân khẩu. Hiện nay, số lượng nhân khẩu được quản lý trên phần mềm Cấp mã số BHXH và quản lý BHYT đã đạt gần 98 triệu nhân khẩu. CSDL này cũng thực hiện cung cấp dữ liệu cho các phần mềm nghiệp vụ của Ngành và cung cấp thông tin để người dân có thể tra cứu mã số BHXH thông qua Cổng TTĐT BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc triển khai giao dịch điện tử đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC trong quản lý đối tượng tham gia và giải quyết các chế độ BHXH. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai 18 dịch công trực tuyến mức độ 3, 4 và đã có 445.330 đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử. Riêng trong năm 2019, cơ quan BHXH các cấp đã tiếp nhận 62,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.

Với CSDL hiện có, BHXH Việt Nam đã và đang chia sẻ với nhiều bộ, ngành liên quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Bộ KH-ĐT, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Ban Cơ yếu Chính phủ. Trên cơ sở đó, nhiều dịch vụ công đã được thực hiện nhanh chóng như: Cấp, đổi thẻ BHYT; cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; quản lý sức khỏe người dân; tra cứu thông tin phát hiện các vi phạm về đóng nộp BHXH để bảo vệ quyền lợi NLĐ...

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã kết nối với 12.693 cơ sở KCB BHYT, mỗi năm tiếp nhận hơn 160 triệu hồ sơ giao dịch điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB; đồng thời cung cấp ứng dụng tra cứu lịch sử KCB cho các cơ sở KCB BHYT. Ngoài ra, đã kết nối với 8 nhà cung cấp dịch vụ I-VAN để cung cấp và triển khai các dịch vụ công và giao dịch điện tử cho đơn vị SDLĐ; kết nối với Bưu điện Việt Nam để chia sẻ dữ liệu chi trả lương hưu và các chế độ hàng tháng.

Hiện nay, Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT của Ngành với 67 nhân sự trực 24/24 giờ và 7 ngày/tuần đang hỗ trợ, vận hành 12 Hệ thống thông tin: Hệ thống mạng truyền thông; Hệ thống an ninh bảo mật; Hệ thống máy chủ lưu trữ và sao lưu dữ liệu; Hệ thống quản lý định danh và truy cập; Hệ thống trục tích hợp dữ liệu Ngành; Hệ thống Cổng TTĐT; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống các CSDL Ngành; Hệ thống cấp mã định danh và quản lý BHYT hộ gia đình; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống giao dịch điện tử. Các hệ thống này được cập nhật liên tục, kịp thời cảnh báo và đưa ra các giải pháp khắc phục cho các sự cố xảy ra.

“Nhiệm vụ quan trọng đặt ra của ngành BHXH trong thời gian tới là hoàn thiện kiến trúc Chính phủ điện tử của ngành BHXH phiên bản 2.0. Việc tiếp tục bổ sung CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cũng như tiếp tục trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan sẽ được BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”- ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.

Theo http://baobaohiemxahoi.vn