Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam (Bài 01)

15/05/2020 01:56 PM


Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu theo Điều 169 của Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, kể từ năm 2021, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường được thực hiện theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035 (sau đây gọi tắt là quy định mới). Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định của pháp luật lao động về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu và quy định pháp luật khác có liên quan.

(Ảnh minh họa)

Theo Dự thảo lần 01 hiện đang được đăng tải trên website của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, đối với lao động nam sinh từ tháng 01/1961 đến tháng 09/1961 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 03 tháng; lao động nam sinh từ tháng 10/1961 đến tháng 06/1962 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 06 tháng… Đối với lao động nữ sinh từ tháng 01/1966 đến tháng 08/1966 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 04 tháng; lao động nữ sinh từ tháng 09/1966 đến tháng 04/1967 sẽ đủ tuổi nghỉ hưu vào năm 2022 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 08 tháng…

Những vấn đề đặt ra

Trước hết, cần xác định các mốc thời gian nghỉ hưu trong Dự thảo trên, theo chúng tôi, có thể dẫn đến một số bất cập sau:

- Sự không công bằng về tăng tuổi nghỉ hưu cho những người cùng tuổi, tức là những người có cùng năm sinh, bất kể họ sinh sớm từ ngày 01/01 đầu năm hay ngày 31/12 cuối năm.

Ví dụ: Theo Dự thảo, lao động nam sinh từ tháng 01 đến tháng 09/1961 đều nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60 và 03 tháng; song, lao động nam sinh từ tháng 10 đến tháng 12/1961 lại nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60 và 06 tháng… Tương tự, lao động nữ sinh từ tháng 01 đến tháng 08/1966 nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 55 và 04 tháng; nhưng lao động nữ sinh từ tháng 09 đến tháng 12/1966 lại nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 55 và 08 tháng… Tình trạng không công bằng này cũng diễn ra ở tất cả các năm chuyển đổi và ở cả nam và nữ.

- Có sự sai lệch về thời điểm nghỉ hưu:

Theo thông lệ, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định sẽ bắt đầu nghỉ hưu vào tháng liền kề sau tháng sinh.

Ví dụ, lao động nam sinh tháng 11/1959 sẽ nghỉ hưu từ 01/12/2020; lao động nam sinh tháng 12/1959 sẽ nghỉ hưu từ 01/01/2020. Do vậy, lao động nam sinh vào tháng 09/1961, nếu theo quy định cũ, nghỉ hưu ở tuổi đủ 60, họ sẽ nghỉ hưu từ 01/10/2021. Nhưng theo quy định mới, họ sẽ được làm việc thêm 03 tháng nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu, tức là làm thêm vào các tháng 10,11 và 12/2021 và sẽ nghỉ hưu từ 01/01/2022 chứ không phải nghỉ hưu trong năm 2021 như Dự thảo.

Tương tự, lao động nữ sinh vào tháng 08/1966, nếu theo quy định cũ, nghỉ hưu ở tuổi 55, họ sẽ nghỉ hưu từ 01/09/2021. Nhưng theo quy định mới, họ sẽ được làm việc thêm 04 tháng nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu tức là làm thêm vào các tháng 09, 10, 11, 12/2021 và sẽ nghỉ hưu từ tháng 01/01/2022 chứ không phải nghỉ hưu trong năm 2021 như dự thảo. Tình trạng tương tự này cũng cũng diễn ra ở tất cả các năm chuyển đổi và ở cả nam và nữ.

- Trường hợp phương pháp đang tính là đúng, thì kết quả đối với lao động nữ nghỉ hưu vào năm 2025 ở độ tuổi đủ 56 và 08 tháng là những người sinh từ tháng 09/1968 đến tháng 05/1969 cũng không thực sự chính xác vì người sinh tháng 05/1969 nghỉ hưu ở tuổi 55 và 08 tháng sẽ nghỉ hưu vào năm 2026 (phải chăng là từ tháng 09/1968 đến tháng 04/1969?). Và cũng từ việc này đã dẫn đến với lao động nữ nghỉ hưu vào năm 2026 ở độ tuổi đủ 57 là những người sinh từ tháng 06/1969 đến tháng 12/1969 cũng không đúng (phải chăng là từ tháng 05/1969 đến tháng 12/1969?)

Theo chúng tôi, cách tính trên có thể do nhóm nghiên cứu xây dựng Dự thảo đã thực hiện theo hướng: “Căn cứ vào năm nghỉ hưu mà quy chiếu trở lại với những người đủ tuổi nghỉ hưu (sau khi đã điều chỉnh thời gian tăng thêm) để xếp vào nhóm được nghỉ hưu trong năm đó”. Do đó, những người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mới vào năm nào, sẽ xếp nghỉ hưu vào năm đó, bất kể họ sinh năm trước đó hoặc sinh vào đúng năm thực hiện thay đổi tuổi nghỉ hưu tức là những người cùng tuổi hoặc khác tuổi đều xếp vào nghỉ hưu trong cùng một năm. Ví dụ, năm 2023, lao động nam sinh từ tháng 07/1962 đến tháng 03/1963 – những người khác tuổi (khác năm sinh) – đều được nghỉ hưu ở tuổi đủ 60 và 09 tháng. Trong khi đó lao động nam sinh từ tháng 01 đến tháng 06/1962 lại nghỉ hưu năm 2022 ở tuổi đủ 60 và 06 tháng (cùng tuổi nhưng điều chỉnh khác tuổi nghỉ hưu). Hoặc năm 2026, chỉ những lao động nữ sinh từ tháng 06/1969 đến tháng 12/1969 mới nghỉ hưu ở tuổi đủ 57 (tuổi đủ 55 và 24 tháng) mà lao động nữ sinh từ tháng 01 đến tháng 5/1969 lại nghỉ hưu năm 2025 ở tuổi đủ 56 và 8 tháng (cùng tuổi nhưng điều chỉnh khác tuổi nghỉ hưu)...

Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định: “Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”.

Theo chúng tôi, quy định này nên được hiểu như sau:

- Năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam – tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nam sinh năm 1961 và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ - tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nữ sinh năm 1966;

- Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 06 tháng  đối với lao động nam – tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nam sinh năm 1962 và đủ 55 tuổi 08 tháng đối với lao động nữ - tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nữ sinh năm 1967…

Tương tự như vậy ta cũng có thể thấy được:

- Năm 2028, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 24 tháng (đủ 62 tuổi) đối với lao động nam – tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nam sinh năm 1968 và đủ 55 tuổi 32 tháng đối với lao động nữ - tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nữ sinh năm 1973;

- Năm 2035, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 55 tuổi 60 tháng (đủ 60 tuổi) đối với lao động nữ - tương ứng hoặc tác động trực tiếp đến lao động nữ sinh năm 1980.

Nội dung trên được diễn tả một cách cụ thể theo các ví dụ sau: 

Năm 2021, lao động nam đủ 60 tuổi và 03 tháng mới được nghỉ hưu. Vậy, vào năm 2021 tất cả những người sinh năm 1961 (sinh từ tháng 01 đến tháng 12/1961) sẽ đủ 60 tuổi nhưng họ sẽ phải làm việc thêm 03 tháng tiếp theo rồi mới được nghỉ hưu. Theo quy định trước đây (nam nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60), những lao động nam sinh năm 1961 đáng lẽ nghỉ hưu từ 01/02/2021 (đối với người sinh tháng 01/1961) theo thứ tự tháng sinh đến 01/01/2022 (đối với người sinh tháng 12/1961), nay theo quy định mới, sẽ nghỉ hưu lần lượt theo thứ tự tháng sinh tương ứng từ tháng 01/05/2021 đến tháng 01/04/2022. Vì vậy, lao động nam sinh vào các tháng từ tháng 01 đến tháng 09/1961 (cũng đủ 60 tuổi) lại nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60 và 03 tháng, trong khi đó, những lao động nam khác sinh vào các tháng 10, 11 và 12/1961 (cũng đủ tuổi 60) lại nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 60 và 06 tháng như Dự thảo là chưa hợp lý. Cũng theo suy luận như vậy, lao động nam sinh vào tháng 12/1960, nghỉ hưu vào 01/01/2021 có được kéo dài thêm 03 tháng nữa hay không vì họ cũng nghỉ hưu vào năm 2021- năm bắt đầu thực hiện điều chỉnh tăng thêm 03 tháng tuổi nghỉ hưu?

Điều này chỉ có thể được giải thích rằng, lao động nam sinh vào tháng 10, 11 và 12/1961 đã được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần thứ nhất (năm 2021) là tăng thêm 3 tháng, nhưng do thời điểm nghỉ hưu sau khi điều chỉnh lần thứ nhất lại rơi vào năm 2022 nên được điều chỉnh lần thứ hai theo quy định tuổi nghỉ hưu của năm 2022 và họ sẽ được tăng thêm cho đủ 06 tháng. Như vậy, vô hình chung những người lao động này được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tới 02 lần.

Một ví dụ khác để làm rõ bất cập ở Dự thảo. Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 55 tuổi và 08 tháng. Vào năm 2022, tất cả lao động nữ sinh năm 1967 (sinh từ tháng 01 đến tháng 12/1967) sẽ đủ 55 tuổi, theo Dự thảo, họ sẽ được làm việc thêm 08 tháng tiếp theo rồi mới nghỉ hưu. Theo quy định trước đây (nữ nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 55) thì lao động nữ sinh năm 1967 đáng lẽ nghỉ hưu từ ngày 01/02/2022 (đối với người sinh tháng 01/1967) đến ngày 01/01/2023 (đối với người sinh tháng 12/1967) thì nay theo quy định mới, họ sẽ nghỉ hưu lần lượt theo thứ tự tháng sinh tương ứng từ 01/10/2022 đến 01/09/2023. Lao động nữ sinh từ tháng 01 đến tháng 04/1967 (cũng đủ 55 tuổi) nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 55 và 08 tháng (năm 2022), trong khi lao động nữ sinh từ tháng 05 đến tháng 12/1967 (cũng đủ 55 tuổi) lại nghỉ hưu ở độ tuổi đủ 55 và 12 tháng (đủ 56 tuổi – năm 2023). Như vậy, liệu lao động nữ sinh vào tháng 12/1965, nghỉ hưu từ 01/ 01/2021 có được kéo dài thêm 04 tháng nữa hay không vì họ cũng nghỉ hưu vào năm 2021- năm bắt đầu thực hiện điều chỉnh tăng thêm 04 tháng tuổi nghỉ hưu? Và lao động nữ sinh từ tháng 05 đến tháng 12/1967 lại được điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tới 02 lần.

Bài 02: Đề xuất về tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam - Một số đề xuất

                      TS.Phạm Đình Thành

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH

Trương Mạnh Tú, Vụ Kiểm toán Nội bộ

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn