Chung sức cùng NLĐ vượt qua đại dịch

01/05/2020 09:24 AM


Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động; một bộ phận không nhỏ NLĐ giảm thu nhập, mất việc làm. Trước tình trạng này, Chính phủ, các cấp, các ngành… đã kịp thời có những giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực cho NLĐ.

Nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực

Cô Nguyễn Thị Hoa (phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) là giáo viên một trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn quận Hoàng Mai. Với mức lương 5 triệu đồng/tháng, bình thường ngoài thời gian làm việc ở trường, cô Hoa còn phải tham gia bán hàng qua mạng để kiếm thêm thu nhập. Từ tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, HS được nghỉ, trường tạm dừng hoạt động nên không có tiền trả lương, khiến cuộc sống của cô Hoa càng khó khăn. “Bây giờ em tiếp tục bán online đủ các mặt hàng. Các cô giáo khác trong trường cũng phải xoay đủ nghề tạm thời để kiếm sống. Giờ xin việc khó lắm, vì ít nơi muốn tuyển lao động thời vụ, có người đành xin thôi việc để chuyển hẳn sang nghề khác”- cô Hoa chia sẻ.

Ông Ngọ Duy Hiểu thăm và nắm bắt tình hình tại Công ty TNHH Piagio Việt Nam

Cô Hoa chỉ là một trong hàng ngàn NLĐ thuộc diện sẽ được hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Thời gian qua, trước những khó khăn của DN và NLĐ, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH đã sớm đề xuất và được Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua nhiều giải pháp chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội thời điểm Covid-19. Theo đó, ngoài chế độ, chính sách hiện hiện hành, trong quý II/2020, NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương tại các DN sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt; người SDLĐ được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng cho NLĐ bị ngừng việc (người SDLĐ cũng có trách nhiệm tự lo nguồn kinh phí để thanh toán nốt số tiền 50% còn lại cho NLĐ). Ngoài ra, người SDLĐ và NLĐ trong DN có đóng BHXH bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia BHXH cũng được dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng…

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại Công ty CP Giầy Hồng Bảo (Đông Anh, Hà Nội)

Về phía tổ chức đại diện NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sớm có chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tại địa phương, LĐLĐ TP.Hà Nội chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở tiếp tục nắm tình hình quan hệ lao động, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với NLĐ bị ngừng việc do dịch Covid-19; hướng dẫn Công đoàn cơ sở tham gia với người SDLĐ xây dựng phương án chi trả tiền lương ngừng việc và các khoản phúc lợi khác cho NLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh. LĐLĐ Thành phố cũng yêu cầu Công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ vào nguồn lực tài chính và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn thuộc các DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, bệnh hiểm nghèo, bị nợ lương, mất việc làm do Covid-19.

Đặc biệt, các cấp Công đoàn Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi đoàn viên” hỗ trợ kinh phí, tặng sản phẩm, dịch vụ hoặc đẩy mạnh triển khai các chương trình ưu đãi đến CNLĐ. LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hỗ trợ đoàn viên vay vốn, vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê trọ cho NLĐ… LĐLĐ Thành phố đã quyết định hỗ trợ 1.500 đoàn viên Công đoàn khối DN, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng, có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Chị Nguyễn Thị Hiền- công nhân Công ty CP Thương mại Khang Vĩnh-Phong Phú (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vợ chồng chị phải ở nhà hơn một tháng nay, đồng nghĩa với không có thu nhập, trong khi tiền thuê nhà, tiền điện nước, sinh hoạt vẫn phải chi trả khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn. “Trước khi dịch bệnh xảy ra, thu nhập của tôi theo sản phẩm hằng tháng khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, từ 12/3 đến nay, do không xuất được hàng, công ty cho công nhân nghỉ ở nhà. Tháng vừa rồi, tôi chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng. Chồng tôi chạy xe grab nhưng thời điểm cách ly xã hội cũng không có khách. Tôi tìm hiểu và thấy yên tâm hơn vì biết mình thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ”- chị Hiền bày tỏ.

Theo ước tính sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 19% DN đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động ngành du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn viêc hoặc ngừng việc; 98% lao động ngành hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu NLĐ đã và đang bị ảnh hưởng, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo… Gói an sinh xã hội mùa dịch Covid-19 là được xem là điểm tựa cho người nghèo, người yếu thế, NLĐ… chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này không chỉ giúp bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội mà còn thể hiện cam kết một Chính phủ hành động.

Ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đây là những chính sách chưa từng có tiền lệ, có phạm vi ảnh hưởng lớn khi có đến 20 triệu người dân được thụ hưởng. Do đó, ngay khi Thủ tướng ký ban hành quyết định thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh triển khai ngay. Song cái khó nhất hiện nay chính là hỗ trợ cho nhóm lao động tự do, bởi nhóm này không có giao kết HĐLĐ như: Người bán hàng rong, người bán vé số, lao động thu gom rác, người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hoá, lái xe 2 bánh chở khách (xe ôm), xe xích lô, NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ.

Ông Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương sẽ quyết định bổ sung các đối tượng khác, chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Mức và thời gian hỗ trợ tối đa cũng theo quy định hỗ trợ đối với lao động tự do, tức là được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người, tối đa không quá 3 tháng…

Khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai gói hỗ trợ tới người dân, NLĐ, ông Hầu A Lềnh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, việc giám sát thực hiện chính sách lần này rất quan trọng, bởi chính sách này hỗ trợ trực tiếp tới đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, được triển khai trong phạm vi thời gian ngắn (từ tháng 4-6/2020) nên thời gian xây dựng, tổ chức triển khai đưa chính sách đến với đối tượng phải hết sức khẩn trương. Đồng thời, các hình thức giám sát cũng phải được tổ chức đa dạng, trong đó trực tiếp và đóng vai trò quan trọng nhất là sự giám sát của người dân.

“Chúng tôi có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, phát huy vai trò của tất cả các tổ chức thành viên thuộc MTTQ, đặc biệt là người dân. Trong đó, việc phối hợp với các cơ quan chính quyền trong tổ chức, triển khai chính sách là hết sức quan trọng, vì thông qua đó mới có thông tin đầy đủ, chính xác cũng như trình tự, thủ tục, hồ sơ xét duyệt đảm bảo khách quan, công minh nhất, đúng đối tượng”- ông Hầu A Lềnh cho biết.

 

Theo baobaohiemxahoi.vn