Vai trò của BHXH trong đại dịch Covid-19 (Bài 02)

27/03/2020 07:50 AM


Trước những biến động phức tạp của đại dịch Covid-19, là một lưới an toàn để bảo vệ người lao động trước những rủi ro trong lao động và cuộc sống, BHXH (bao gồm cả BHTN, BHYT) cần thực hiện các giải pháp về chính sách và tổ chức thực hiện, kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ứng phó với những tác động đến việc làm, thu nhập.

(Ảnh minh họa)

Ứng phó về chính sách và tổ chức thực hiện BHXH trước tác động của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

Trước tình trạng người lao động bị thất nghiệp, phát sinh chi phí y tế và giảm thu nhập khi nghỉ ốm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; thời gian qua, chính sách và tổ chức thực hiện BHXH đã được điều chỉnh trên nhiều phương diện:

Về tham gia và thu BHXH

Việc tham gia BHXH đều đặn, không bị gián đoạn đảm bảo cho người lao động được hỗ trợ kịp thời khi có rủi ro, sự kiện xảy ra trong lao động và cuộc sống. Tuy nhiên, theo Điều 88 Luật BHXH năm 2014, người sử dụng lao động có thể được tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất khi gặp khó khăn do dịch bệnh dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh (không kể giá trị tài sản là đất). Khi đủ điều kiện, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng tối đa không quá 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, đơn vị sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bù thời gian đã tạm dùng, tiền đóng bù không bị tính lãi chậm đóng.

Trước tình hình dịch bệnh, ngày 04/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 06 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trên cơ sở thực hiện theo Chỉ thị cũng như quy định về tạm dừng đóng theo Luật BHXH năm 2014, đồng thời, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng tham gia, tránh tình trạng trục lợi chính sách; cơ quan BHXH đã hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan BHXH cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam về tạm dừng đóng, trong đó nêu cụ thể:

Về đối tượng được tạm dừng đóng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra, không kể giá trị tài sản là đất.

Về thời gian tạm dừng đóng: BHXH cấp tỉnh tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất hết tháng 06/2020. Trong trường hợp đến hết tháng 06/2020 mà dịch COVID- 19 vẫn chưa thuyên giảm, BHXH xem xét tạm dừng đóng đến tháng 12/2020.

Mặc dù quy định này đã có từ trước khi xảy ra dịch COVID-19, tuy nhiên việc thực hiện quy định kịp thời đối với những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xin tạm dừng đóng, không thực hiện thanh tra - kiểm tra trong quá trình tạm dừng đóng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là cần thiết nhằm chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp, người lao động trước dịch bệnh.

Về chi trả BHXH

Chi trả chế độ ốm đau

Người lao động dương tính với Covid-19 phát sinh chi trả chế độ ốm đau, BHYT. Những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly y tế. Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tham gia BHXH cách ly phù hợp:

- Với trường hợp điều trị nội trú cần có giấy ra viện.

- Với trường hợp điều trị ngoại trú cần có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc giấy ra viện có chỉ định của bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú. 

- Với trường hợp cách ly tại nhà, BHXH Việt Nam đồng ý để trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà được Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã phê duyệt, có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

Chi trả BHYT

Theo quyết định công bố dịch của Chính phủ ngày 01/02/2020, Quỹ BHYT sẽ thanh toán chi phí cho người đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus này. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả. Bộ phận giám định BHYT tại các bệnh viện tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus. Trong tình hình dịch bệnh, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện việc giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định. Việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh để đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh BHYT trên cơ sở nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT của Quý I/2020 đã được BHXH Việt Nam cấp đầy đủ, đặc biệt là BHXH các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus.

Chi trả BHTN

Tình trạng thất nghiệp gia tăng theo dự tính sẽ ảnh hưởng đến gia tăng chi trả chế độ BHTN. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố ngày 20/03/2020, tác động của dịch Covid-19 đã khiến 15% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, số người đến nộp hồ sơ để hưởng BHTN trong 02 tháng đầu năm lên tới gần 77.000 người [3]. BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết thủ tục, bảo đảm quyền lợi BHTN cho người lao động. Đồng thời, cơ quan BHXH chủ động cân đối nguồn kinh phí chi trả BHXH có thể gia tăng đột biến do tác động của dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế./.

Bài 01. Tác động của đại dịch COVID-19 đối với người lao động

Tài liệu tham khảo

[1] ILO, 2020, COVID-19 and world of work: Impacts and responses

[2] Lee, A. and J. Cho, 2016, The impact of epidemics on labor market: identifying victims of the Middle East Respiratory Syndrome in the Korean labour market.

[3] http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/tin-tuc/no-luc-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-truoc-tac-dong-cua-dich-covid-19-22765

[4]  http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/202003/t20200316_1732244.html

[5] http://www.trungtamwto.vn/su-kien/15086-kinh-te-viet-nam-va-the-gioi-duoi-bong-ma-covid-19

[6] https://www.brookings.edu/research/the-global-macroeconomic-impacts-of-covid-19-seven-scenarios/

TS.Hoàng Bích Hồng – TS.Mai Thị Dung

Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Lao động - Xã hội

Theo: www.tapchibaobaohiemxahoi.gov.vn