Kinh tế nền tảng số: Xu thế... “không thể thoát”

19/03/2020 10:21 AM


"Kinh tế nền tảng số là một xu thế không thoát được, phải theo và có những khía cạnh có thể vượt lên trước. Đặc biệt, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay càng cho thấy rõ ích lợi của công nghệ"- đó là khẳng định của PGS-TS.Nguyễn Đức Thành- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) tại Tọa đàm chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với Kinh tế Nền tảng Số” diễn ra chiều nay (18/3), tại Hà Nội.

Các chuyên gia tham gia hội thảo cùng nhận định, đây là một giai đoạn thích hợp để thúc đẩy ứng dụng CNTT. Nhiều DN xưa còn chần chừ, thì nay dưới tác động của dịch bệnh, đã bắt buộc phải ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nền kinh tế nền tảng số cũng sẽ mang đến những hiệu ứng tiêu cực: Giảm việc làm, khó khăn trong việc thu thuế, có những ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến các DN truyền thống, nên Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng để giải quyết những vấn đề này.

Theo PGS-TS.Nguyễn Đức Thành, Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài hay đương đầu để bước vào giữa sân chơi toàn cầu, tùy theo lựa chọn của Chính phủ, của DN và người dân. "Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử. Đặc điểm của Việt Nam chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, nhân sự trẻ, đó cũng là một lợi thế, bởi các DN này sẽ có mức độ thích nghi với công nghệ khá tốt, hạ tầng CNTT tốt"- PGS.Nguyễn Đức Thành nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI), Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học... "Phát triển kinh tế số nên là tự thân, chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Cần hướng đến nó là nền tảng, chủ động thay vì bị động. Việt Nam có cơ hội là dân số trẻ, DN nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi"- đại diện VCCI nhấn mạnh.

Thực tiễn cạnh tranh trong đợt dịch Covid-19 có thể là một trải nghiệm để nhà hoạch định tham khảo. Trong khi các mô hình truyền thống gần như bị đóng băng do các cú sốc cung, sự biến động của cầu, sự xuống dốc của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung..., thì một loạt các DN thương mại điện tử lại đang không ngừng kiếm lời: Amazon dự tính tuyển thêm hơn 100.000 công nhân để tham gia đóng gói sản phẩm, doanh số bán hàng online của một số siêu thị tại Hà Nội ước tính cũng tăng thêm 20%. Các nền tảng kinh tế giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hàng tồn kho- vốn là những vấn đề lớn của các DN hiện nay và phát triển như một xu thế của kinh tế trên thế giới.

"Nếu không tồn tại những sàn giao dịch điện tử như Tiki, Lazada... hoặc các kênh phân phối online, thì có lẽ sẽ có nhiều hơn 3.000 DN đóng cửa chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội"- PGS.Nguyễn Đức Thành phân tích. Đồng thời cho rằng, trong thời điểm này, việc khuyến khích các DN tham gia chuyển đổi số và mở rộng sân chơi cho các nền tảng kinh tế số nhằm đẩy nhanh luồng lưu thông của hàng hoá và dịch vụ trong thị trường tự do sẽ mang lại hiệu quả tốt.

TS.Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhận xét: "Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh Covid-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skypee, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, face, chuyển hàng bằng ship. Chính con cháu tôi đã làm; không phải chúng không có tiền mà chúng làm để học hỏi, để không lạc lõng". Chuyên gia này cũng nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhất trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế, có thể đi cùng với thế giới.

Dẫn chứng câu chuyện về mâu thuẫn giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2014 cho đến khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1/04/2020, các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, Nhà nước không thể tiếp tục dành thêm tám năm nữa để tập trung giải quyết các xung đột giữa mô hình kinh doanh truyền thống và mô hình số. Vậy nên, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số là vô cùng cần thiết...

Theo http://baobaohiemxahoi.vn