Cần có khung giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội

14/02/2020 08:52 AM


Ngày 12/2, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: Hiện nay, việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở nước ta được thực hiện bởi nhiều tổ chức khác nhau như: Quốc hội, HĐND; cơ quan quản lý nhà nước; MTTQ Việt Nam cũng như các đoàn thể chính trị-xã hội. Tuy nhiên, việc phân định nội dung, mục tiêu, phạm vi, hình thức chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo; hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội chưa cao.

Theo đánh giá của Quốc hội, hoạt động giám sát, trong đó bao gồm giám sát thực thi chính sách an sinh xã hội “vẫn là khâu yếu, có nhiều hạn chế, nhiều hoạt động còn hình thức, sự đổi mới còn chậm và hiệu quả chưa cao”, “chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân”. Trong khi đó, lại chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này để tạo cơ sở lý luận cho việc giám sát thực thi chính sách pháp luật về an sinh xã hội một cách có hiệu quả.

Chính vì thế, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam” không những có ý nghĩa thực tiễn, mà còn có ý nghĩa lý luận cấp bách, nhằm góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đối với thực thi chính sách, pháp luật an sinh xã hội ở nước ta. Đồng thời, góp phần làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lý luận trong giám sát của cơ quan dân cử đối với thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội trên cơ sở luận giải đặc điểm, bản chất, chủ thể, đối tượng, phạm vi, hình thức, nội dung, nhân tố ảnh hưởng, quan niệm và các tiêu chí đánh giá hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội.

Ông Hoàng Văn Cường- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, xã hội càng phát triển, những vấn đề an sinh xã hội càng được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu; mức độ đảm bảo về an sinh xã hội phản ánh trình độ phát triển và tính chất nhân văn, an toàn của mỗi quốc gia. Những vấn đề an sinh xã hội thường có mối quan hệ và liên đới, gắn kết với những vấn đề của nhóm người yếu thế, nên rất cần có tiếng nói, sự giám hộ của những người đại diện.

Theo ông cường, đối với nước ta, vấn đề an sinh xã hội còn được xem như những phạm trù xa lạ đối với nhiều người dân, kể cả những người thuộc đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của người đại diện là các cơ quan dân cử trong việc giám sát thực thi chính sách an sinh xã hội là vấn đề cần được quan tâm, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân cũng như góp phần hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, ông Nguyễn Ngọc Sơn- Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát (Văn phòng Quốc hội) nhận định: Nhiều hình thức giám sát của các chủ thể đã được quy định tương đối cụ thể như giám sát chuyên đề, chất vấn, xem xét việc thực hiện nghị quyết, xem xét kiến nghị giám sát… Do đó, cần có khung giám sát thực thi chính sách, pháp luật về an sinh xã hội; cũng như cần nhận thức đúng đắn về bộ máy giúp việc với tính chất là một cơ quan có chức năng tham mưu cho hoạt động giám sát. Theo đó, hệ thống công chức Quốc hội phải có tính độc lập nhất định, được đào tạo theo những tiêu chí riêng, phù hợp với yêu cầu về mặt kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường Quốc hội và HĐND, là người tư vấn giúp đại biểu phản biện lại các chính sách do cơ quan hành pháp đệ trình...

 

 

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn