Nghề BHXH- những vất vả thầm lặng

29/05/2018 10:29 AM


Bài 2

“Đu dây” vì người lao động

Nhìn các cán bộ “Một cửa” của BHXH tỉnh Bình Dương hối hả xử lý công việc nhưng vẫn luôn tươi cười, niềm nở với khách để tạo không khí thoải mái, ấm cúng mới thấy nghề BHXH cần lắm những cảm thông…



Trụ sở BHXH tỉnh Bình Dương luôn tấp nập người đến giao dịch

Dù “đuối” cũng… cười

Giữa tháng 5/2018, khu vực “Một cửa” của BHXH tỉnh Bình Dương rộng hàng trăm m2 vẫn như trong tình trạng “quá tải”. Trên dãy bàn làm việc, 14 “cặp đôi” NLĐ- chuyên viên đang trao đổi công việc. Phía sau, gần 10 người khác đang hối hả xử lý giấy tờ, hồ sơ. Ở khu vực chờ, một cán bộ cũng của bộ phận này đang cầm trên tay tập hồ sơ và tư vấn cho đôi nam nữ công nhân quê Nghệ An về BH thất nghiệp…

Anh Văn Quốc Lập- chuyên viên tại bộ phận “Một cửa” sinh năm 1977, người Bình Dương, có bằng ĐH chuyên ngành về bảo hiểm, lại có nhiều kinh nghiệm thực tế giải thích khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên: “Cao điểm tại đây là vào buổi sáng, từ thứ Hai đến thứ Tư hằng tuần. Có 2 kênh tiếp nhận hồ sơ, DN qua kênh Bưu điện, còn NLĐ qua kênh trực tiếp. Từ 2 kênh này, chúng tôi chia 2 tổ tiếp nhận và xử lý hồ sơ…”.



Đội tiếp nhận hồ sơ tất bật xử lý công việc và dù có đuối thì họ vẫn... tươi cười

Cũng theo anh Lập, hầu như suốt tuần, từ sáng tới trưa, tổ tiếp nhận hồ sơ từ Bưu điện phải mất 2/3 quân số để tăng cường cho tổ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ NLĐ. Theo nguyên tắc, mọi hồ sơ- dù trực tiếp hay qua Bưu điện, đều phải được xử lý trong ngày. “Vì thế, sau khi tập trung lực lượng giao dịch với NLĐ, chúng em phải tranh thủ nghỉ trưa chừng 15 phút, rồi phải xử lý hồ sơ qua kênh Bưu điện. Trưa mà chưa xong thì cuối giờ tiếp tục, 19-20 giờ mới về tới nhà là chuyện thường ngày”- Lập chia sẻ.

Lập đã kết hôn và có 2 con, bé lớn lớp 6, còn bé nhỏ mới lớp 1. Từ nhà đến cơ quan hơn 10 cây số, để có mặt tại cơ quan lúc 7 giờ, anh và vợ (phóng viên Báo Bình Dương) phải hối các con dậy lúc 5 giờ 45, rồi chia nhau “chàng một con thiếp một con, kẻ lên non người xuống bể” vì 2 trường khác nhau. “Thương tụi nhỏ vì mình mà ngủ không đủ giấc. Nhưng khổ nhất vẫn là chuyện đón chúng. Lúc thì nhờ ông bà ngoại, lúc thì nhờ hàng xóm đón giúp. Xót vợ xót con, nhưng việc nhiều quá, không làm ráng thì không hết việc. Em cũng không còn cách nào khác để thu xếp cuộc sống chỉn chu hơn được”- Lập trải lòng.

Chứng kiến tại bộ phận “Một cửa”, thấy ai đến cũng câu cửa miệng “xử lý sớm dùm nghen, tôi chỉ xin nghỉ được một buổi thôi”. Đúng như Lập nói, cả đội “Một cửa” đều không lạ gì cuộc mưu sinh nhọc nhằn của anh chị em công nhân. “Phải kẹt lắm họ mới tới với mình anh ạ. Nếu công việc của họ suôn sẻ thì họ tìm mình làm gì. Mà nghỉ một buổi, nghỉ một ngày với họ là mất bao nhiêu bữa cơm chứ không đùa đâu. Vì thế, cả đội đâu dám lơ là, dù nhìn lại mình cũng vất vả quá rồi. Nhưng, anh em cứ động viên nhau rằng, dù cho có “đuối” cũng cười, nghen!…”- Lập  nói.

“Đu dây” vì… lao động nhảy việc

Điều dễ nhận thấy, bộ phận “Một cửa” của BHXH Bình Dương lúc nào cũng luôn tấp nập khách, khiến anh em ở đây phải chạy “bở hơi tai”. Nguyên nhân là do số lao động nhảy việc rất lớn nên phát sinh khối lượng công việc ở hầu hết các bộ phận.

Theo bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH Bình Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu lao động với khoảng 80% là người nhập cư; dân số toàn tỉnh năm 2016 là hơn 1,9 triệu người. Tính ra, cứ 2 người ở Bình Dương thì có 1 người đang làm công nhân; và cứ 4 người đang làm công nhân thì có đến 3 người là lao động nhập cư. Đây chính là đặc điểm làm nên sự phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ cho tỉnh thời gian qua. Song, cũng chính đặc thù này đã tạo “áp lực khủng” lên ngành BHXH ở địa phương này, bởi biên chế của BHXH tỉnh luôn duy trì ở mức cố định. Chưa hết, còn một đặc thù khác khiến CCVC của BHXH tỉnh như anh Văn Quốc Lập phải luôn đi sớm về khuya, đó chính là mỗi năm có hơn 600.000 NLĐ ở địa phương này “nhảy việc”.

“Biến động lao động liên tục và cực lớn, diễn ra từ năm này qua năm khác khiến BHXH Bình Dương phải chạy theo đứt hơi luôn. Nhà báo thấy phòng “Một cửa” bận rộn rồi nhé, nhưng sau đó còn Phòng Sổ thẻ, Phòng Chế độ… cũng đều phải “đu dây” theo để xử lý công việc, không được sai hẹn. Nhà báo ráng hình dung nhé, có khi chỉ một NLĐ thôi, nhưng hôm trước DN này báo giảm DN kia báo tăng, chỉ hôm sau cũng NLĐ ấy DN báo tăng đã phải lên tiếng báo giảm, còn một DN khác lại báo tăng. Chuyện này thậm chí chỉ xảy ra trong một ngày đấy…”- ông Nguyễn Duy Hiểu- Phó Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết.

Được biết, chỉ trong 1-2 năm tới, Bình Dương sẽ đưa vào hoạt động 3-4 KCN mới, ước tính thu hút thêm hơn 100.000 NLĐ. Và, trong một tình huống dễ hình dung, tình trạng “nhảy việc” sẽ gia tăng, tạo biến động lao động nhiều hơn con số hiện tại. “Với bấy nhiêu người thế này, chúng tôi chỉ còn biết phải quyết tâm từ bây giờ…”- vị lãnh đạo BHXH Bình Dương trải lòng.

Đỗ Bá



“Không riêng em, mà cả đội đều làm việc hết mình theo công việc, chứ không phải chỉ làm giờ hành chính nghen anh. Làm hết việc mới thôi. Anh em… dính chân toàn tập ở cơ quan, ngập đầu với công việc chung nên dù có muốn làm thêm gì đó để cải thiện thu nhập lo gia đình cũng đành chịu…”

(Anh Văn Quốc Lập- chuyên viên Phòng Tiếp nhận và Quản lý hồ sơ)

Theo Báo BHXH