Áp dụng chính sách mới: Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều quyền lợi

29/01/2018 02:37 PM



Người lao động nhận chế độ BHXH tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh - Ảnh: THÁI HÀ

Phương thức và thời gian đóng bảo hiểm xã hội linh hoạt, không giới hạn tuổi, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ là các chính sách mới bắt đầu được thực hiện từ ngày 1/1/2018. Đây là cơ hội giúp những người không có hợp đồng lao động, không có việc làm ổn định có thể tích lũy lĩnh lương hưu để vững vàng kinh tế khi ở tuổi xế chiều.

Người dân chưa mặn mà

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp vàkhông ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già; đồng thời khi chết được hưởng chế độ mai táng phí. Mặc dù cánh cửa an sinh rộng mở nhưng thực tế cho thấy loại hình BHXHTN vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia.

Theo số liệu của BHXH tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh có 2.203 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 91,6% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 216 người so với năm trước. Tuy con số có tăng nhưng vẫn còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam đề ra. Nguyên nhân được phía BHXH lý giải rằng, do thời gian đóng BHXHTN quá dài (trên 20 năm); đời sống người dân trong tỉnh còn nhiều khó khăn nên không đủ điều kiện tham gia. Thêm vào đó, số người nghỉ việc hưởng trợ cấp BHXH một lần tăng lên hàng năm (năm 2017 là 3.920 người, tăng so với năm 2016 gần 300 người), ảnh hưởng đến độ bao phủ BHXH và mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXHTN, từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXHTN được đóng phí theo phương thức và thời gian đóng linh hoạt, không giới hạn tuổi tham gia; đồng thời được hỗ trợ tiền đóng theo Nghị định 134/2015/NĐCP ngày 29/12/2015 của Chính phủ. Theo đó, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXHTN thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXHTN thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXHTN phù hợp. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXHTN thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Chính sách trên nhằm tạo điều kiện cho bất kỳ lao động nào cũng có thể tích lũy khi trẻ, lo cho tuổi già và đây cũng được xem là một trong những giải pháp để “kích cầu” đối tượng tham gia BHXHTN, mở rộng cánh cửa an sinh cho những lao động tự do.

Để tuổi già được thảnh thơi

Một lần khi đến Bệnh viện Y học cổ truyền tác nghiệp, tôi được nghe câu chuyện của những người ở tuổi xế chiều, nay đau, mai ốm, không còn khả năng lao động.

Một cụ bà tuổi đã ngoài 70 vừa nói, vừa thở hổn hển vì mệt. Bà cho biết mình là người Tuy Hòa, vừa mổ tim mấy tháng trước nhưng vẫn phải đi bộ nửa cây số từ nhà đến bệnh viện. Cả đời bà chắt bóp, lo lắng nuôi đứa con gái duy nhất nên đến khi về già, bà hoàn toàn sống dựa vào con mà không có tài sản gì phòng thân. Hiện tại, ngoài tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi, bà được con gái hỗ trợ thêm mỗi tháng vài trăm ngàn đồng. Bà có một đứa cháu trai làm trong cơ quan nhà nước cũng thường xuyên cho tiền nhưng bà không nhận. “Người già ăn uống khó khăn nên tôi phải nấu ăn riêng. Thiếu tiền chợ búa, thuốc men cũng cực lắm nhưng nhận tiền của cháu thì không đành vì nó còn trẻ, làm ở cơ quan nhà nước lương bổng chỉ đủ tiêu pha”, bà nói với một người bên cạnh.

Một người phụ nữ lớn tuổi khác bị đau một bên chân nên đi lại rất khó khăn. Bà này cho biết mình là người Đông Hòa, có 4 đứa con, cả bốn đều tốt nghiệp đại học, học lên thạc sĩ và có một người con trai du học, làm việc ở Úc. “Mình đã nuôi nó ăn học, nó tự lo cho cuộc sống mà không phải nhờ vả mình đã là may lắm rồi. Riêng con trai ở Úc, phải lo cho gia đình nhỏ của chúng nó nên thỉnh thoảng có gửi quà cho ba mẹ. Chúng tôi tự biết con cái có cuộc sống của con; còn mình phải lo cho cuộc sống của mình nên phải cố gắng tích lũy, thủ thân để sau này còn có chỗ dựa. Với người già, tiền bạc là chỗ dựa rất quan trọng”, bà này chia sẻ.

Cả thời tuổi trẻ làm việc vất vả để nuôi con, đến lúc về già, ông Hồ Minh Thuận (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) mới thấy đồng lương hưu quý giá. Ông chia sẻ: “Từ lúc về hưu tôi mới thấy hết ý nghĩa của những chính sách an sinh xã hội quan trọng đến nhường nào, đặc biệt là chế độ hưu trí. Bởi lúc đó sức khỏe không còn, đồng tiền trở nên khó kiếm. Tôi từng làm nhân viên trường học, về hưu mỗi tháng nhận được 4 triệu đồng, cộng thêm thu nhập từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ nên tôi có thể sống thảnh thơi và có điều kiện giúp đỡ con cháu. Cả một đời vất vả, khi lớn tuổi là thời điểm để nghỉ ngơi nhưng nếu bị phụ thuộc về kinh tế thì tuổi già rất khổ”.

Ai rồi cũng đến lúc tuổi già nhưng có người bị động, không chuẩn bị được gì nên tất cả phụ thuộc vào con cái; còn có người đã kịp tích lũy cho tương lai từ khi còn trẻ, khỏe thì về già được thảnh thơi hơn. Với số đông, tuổi già nay ốm mai đau, có sẵn một khoản tiết kiệm phòng thân để khỏi phiền lụy con cháu vẫn là quan trọng nhất.

 

Thái Hà