Giải quyết chế độ tai nạn lao động: Chia sẻ rủi ro với người lao động

04/01/2018 02:15 PM



Người lao động làm thủ tục để giải quyết chế độ tai nạn lao động tại BHXH huyện Đồng Xuân

Kịp thời giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị liên quan mà còn thể hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đối với người lao động không may gặp rủi ro trong công việc. Từ khi có chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, BHXH tỉnh đã giải quyết hàng trăm hồ sơ liên quan đến chế độ này.

Kịp thời chi trả
Ở bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm nào, rủi ro luôn rình rập, đe dọa cuộc sống của mỗi người, gây gánh nặng cho cộng đồng và xã hội. Rủi ro phát sinh bất ngờ, không lường trước được. Trường hợp anh Đặng Văn Quang, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, là một ví dụ. Anh là một trong số hàng chục công nhân tại đơn vị này đang hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ hàng tháng (từ tháng 5/2011) với lý do xảy ra tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Vụ tai nạn đã khiến anh lún xương sọ phía trái, hư mắt trái với tỉ lệ thương tích trên 40%. Hiện tại, ngoài mức lương được công ty trả theo hợp đồng lao động cắt tỉa cây xanh khu vực núi Nhạn, mỗi tháng anh được nhận trên 860.000 đồng từ cơ quan BHXH tỉnh chi trả bảo hiểm TNLĐ.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Phòng Kinh doanh kiêm Chủ tịch CĐCS Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên, cho biết: “Khi cán bộ, đoàn viên, người lao động trong công ty không may xảy ra sự cố, công đoàn phối hợp với lãnh đạo công ty nhanh chóng làm hồ sơ để anh chị em sớm được hưởng chính sách an sinh xã hội. Chỉ tính riêng năm 2017, tại công ty có 5 lao động được chi trả chế độ TNLĐ một lần, với mức chi trả từ gần 23 triệu đồng - 38 triệu đồng/người. Từ khi chính sách bảo hiểm TNLĐ đi vào cuộc sống, toàn công ty cũng đã có hàng chục lao động được chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn đúng theo quy định của pháp luật…”.

Ông Phan Kim Đệ, kế toán Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Xuân, được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ từ tháng 9/1996 với tỉ lệ thương tật 42%. Nguyên nhân là ông gặp tai nạn khi lái xe trên đường đi công tác thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cho đơn vị. Hàng tháng, ông nhận được 780.000 đồng/tháng. “Tai nạn giao thông là việc rủi ro không ai muốn. Vì vậy, nhận được khoản tiền hỗ trợ vào lúc này như chia sẻ phần nào khó khăn của người lao động gặp phải trong cuộc sống…”, ông Đệ bộc bạch. Còn ông Huỳnh Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, không may tông phải con chó trên đường đi làm về từ tháng 11/2011 nên bị thương tật trên 31%. Ông Xuân cho biết: “Hàng tháng, ngoài khoản tiền lương cán bộ Hội, tôi được nhận số tiền trợ cấp TNLĐ gần 600.000 đồng do BHXH tỉnh chi trả. Nhận hỗ trợ như vậy phần nào cũng giúp tôi có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học”.

Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Theo ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh, thực tế cho thấy chính sách bảo hiểm TNLĐ kịp thời hỗ trợ cho người lao động, người thân họ rất nhiều. Nếu chẳng may qua đời, số tiền nho nhỏ của người lao động để lại cho con hoặc cha mẹ, người thân cũng an ủi phần nào cho gia đình họ trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Khi không may bị thương tật trên người, số tiền hỗ trợ hàng tháng là sự động viên họ trong cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Cụ thể, suy giảm 31% khả năng lao động, được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định trên, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%... Ông Trần Công Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Đồng Xuân, cho biết: “Tại huyện Đồng Xuân hiện có gần 10 người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong huyện đang được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ của Nhà nước. Riêng năm 2017, BHXH huyện đã tiếp nhận và giải quyết cho 3 trường hợp bị TNLĐ, kịp thời chi trả số tiền hàng chục triệu đồng. Khó khăn hiện nay mà BHXH huyện đang gặp phải là địa bàn miền núi, giao thông cách trở, xa khu dân cư, khiến cho việc xác minh các vụ TNLĐ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị nhanh chóng phối hợp cán bộ địa phương xác minh, hoàn tất thủ tục giúp người lao động sớm được hưởng chế độ trợ cấp trong thời gian sớm nhất có thể”.

Tại các khu công nghiệp trong tỉnh, có hàng ngàn công nhân tham gia sản xuất, đặc thù sản xuất của một số ngành nghề như kính, mây tre, gỗ… dễ dẫn đến TNLĐ. Ông Tô Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Phú Yên, cho biết: “Việc chi trả kịp thời chế độ bảo hiểm TNLĐ không chỉ chia sẻ, động viên tinh thần cho người lao động không may gặp rủi ro trong cuộc sống mà còn góp phần nâng cao ý thức tham gia BHXH, BHYT và bảo hiểm TNLĐ cho chính chủ doanh nghiệp và bản thân người lao động”.

“Thời gian qua, việc chi trả bảo hiểm tai nạn cho người lao động luôn được cơ quan BHXH đặc biệt chú trọng, nên kịp thời chi trả đúng mục tiêu, rút ngắn các thủ tục hành chính. Có thể nói, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện ở nước ta mang lại ý nghĩa thiết thực. Trong đó, chính sách bảo hiểm tai nạn thực sự hữu ích cho nhiều người lao động không may gặp rủi ro trong cuộc sống”, ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định

BHXH tỉnh hiện đang quản lý và chi trả cho 358 người hưởng chế độ TNLĐ hàng tháng với tổng số tiền trên 300 triệu đồng/tháng; riêng năm 2017, cơ quan BHXH tỉnh tiếp nhận và giải quyết chế độ TNLĐ cho 120 người. Trong đó có cả trường hợp nhận chế độ một lần và nhận chế độ hàng tháng theo đúng quy định.

 

Đặng Dự