Lao động được hưởng chính sách BH thất nghiệp: Cuộc sống cũng bớt chông chênh!

03/10/2016 03:06 PM


Thời gian qua, không ít NLĐ không may mắn đã bị mất việc làm do công ty phá sản hoặc cắt giảm lao động. Dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng do được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nên đã giúp họ bớt gánh nặng kinh tế và có điều kiện tìm việc làm mới.

Điểm GDVL vệ tinh Long Biên (tại Trường Trung cấp Nghề Quang Trung, ngõ 403- đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội), Trung tâm DVVL Hà Nội vừa tổ chức “Phiên GDVL cho NLĐ hưởng BH thất nghiệp” và tư vấn, hỗ trợ NLĐ làm thủ tục hưởng trợ cấp BH thất nghiệp.


NLĐ đăng ký hưởng BH thất nghiệp

Theo ghi nhận của PV, có rất đông NLĐ đến tham dự và nộp hồ sơ tuyển dụng. Ai nấy đều kỳ vọng sẽ tìm được công việc với mức lương ổn định, chế độ đãi ngộ tốt; đồng thời bày tỏ sự vui mừng khi được giải quyết chế độ BH thất nghiệp nhanh chóng, thuận tiện…

Chị Ngọc Hà (31 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết, chị phải nghỉ việc từ tháng 8 do Công ty thu hẹp quy mô sản xuất. Từ chỗ thu nhập 4- 6 triệu đồng/tháng, hiện giờ mọi chi phí sinh hoạt của chị đều phụ thuộc vào lương của chồng, khiến cuộc sống gia đình cứ “thiếu trước, hụt sau”. 

“Hôm nay đến tìm việc làm, tôi được các cán bộ của Trung tâm DVVL tư vấn đăng ký trợ cấp thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm mới. May mắn là trước đây công ty tôi làm có đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ, nên hôm nay tôi đủ điều kiện để hưởng trợ cấp này. Trước đó, tôi cứ nghĩ, đóng BHXH chỉ để có lương hưu, chứ không ngờ lại có rất nhiều chế độ trợ cấp khác như: Thất nghiệp, tai nạn lao động, tử tuất, thai sản… Số tiền trợ cấp thất nghiệp mà tôi được nhận hằng tháng chỉ bằng một nửa tiền lương trước đây, nhưng cũng đủ để giúp tôi trong lúc khó khăn này”- chị Hà phấn khởi nói.

Tương tự, anh Quốc Toàn (38 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cũng đến Trung tâm để thông báo về tình trạng việc làm của mình trong tháng qua để gia hạn BH thất nghiệp. Anh Toàn chia sẻ: “Lúc trước, khi còn đi làm, tôi có dịp được tham gia một số chương trình đối thoại với NLĐ về chính sách BHXH, BHYT, nên nắm khá chắc các quyền lợi mà mình được hưởng. Vì thế, 3 tháng gần đây, mặc dù không có việc làm, nhưng nhờ có trợ cấp thất nghiệp, tôi tạm thời vẫn có thể ổn định cuộc sống để đi tìm công việc thực sự phù hợp với chuyên môn, khả năng của mình”.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội đánh giá: BHXH là chính sách an sinh đặt quyền lợi NLĐ lên cao nhất, đặc biệt khi ốm đau, tai nạn, thất nghiệp sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Riêng với lao động thất nghiệp, khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua những khó khăn tạm thời. Theo bà Liễu, từ đầu năm đến nay, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm lên tới gần 17.000 người. Trung bình mỗi tháng Trung tâm tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; thậm chí tháng cao điểm lên tới 3.000- 4.000 lượt hồ sơ.

Xác định rõ điều đó, nên Trung tâm DVVL Hà Nội luôn chú trọng đổi mới quy trình giải quyết thủ tục và thái độ phục vụ; tổ chức phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và BHXH Hà Nội đối thoại, giải đáp chế độ chính sách BHXH, BHYT và GDVL cho NLĐ... Ngoài ra, còn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ hưởng các chế độ, quyền lợi liên quan như: Cấp thẻ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ chi phí học nghề; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ…

Tuy nhiên, cũng theo bà Liễu, NLĐ cũng cần chủ động tìm việc làm ổn định, lâu dài, không nên quá phụ thuộc vào trợ cấp thất nghiệp, chỉ nên coi việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là biện pháp tình thế, góp phần ổn định cuộc sống. Đặc biệt, khi tìm việc làm, cần chọn những địa chỉ tuyển dụng uy tín, có cam kết tham gia BHXH cho NLĐ để được hưởng quyền lợi chính đáng…

 

Theo baobaohiemxahoi.vn