Để chính sách bảo hiểm y tế phát huy tác dụng: Người dân cần được hỗ trợ

15/08/2016 07:34 AM



Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT

Trong khi 53/63 tỉnh thành trên cả nước, nhiều đối tượng được hỗ trợ phí đóng bảo hiểm y tế để có chỗ dựa lúc ốm đau thì người dân Phú Yên, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung cả nước lại chưa có được sự hỗ trợ đúng mức. Điều này một mặt làm cho lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân gặp nhiều khó khăn, mặt khác, làm cho chính sách an sinh xã hội không được đến với những đối tượng thực sự cần đến nó.

 

Khi người dân còn chật vật mưu sinh

 

Một ngày ở vùng cao thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) bắt đầu bằng việc người dân trở dậy ra nương rẫy khi mặt trời hãy còn chưa ló dạng. Bằng những công cụ thô sơ, canh tác theo những tập quán cũ, già trẻ, trai gái trong làng phải lao động vất vả nhưng chỉ thu về hoa lợi ít ỏi, thu nhập bấp bênh.

La Lan Tạ ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh đã từng đi bộ đội. Xuất ngũ, anh về lại buôn làng và cũng bắt đầu con đường làm thuê như nhiều thanh niên khác. Với chiếc gùi đeo trên vai, rựa cầm trên tay, mỗi buổi sáng, anh đi bộ một quãng đường dốc để vào rẫy sắn và sẵn sàng cho ngày làm việc với chiếc bụng lưng lửng bữa khoai sáng. Bên ngoài đường lớn, nhiều người nữa cũng chuẩn bị những vật dụng như anh để đi lên rẫy. Người có xe thì đèo nhau lên xe, người không có xe thì đi bộ. Ai cũng gấp gáp.

 

La Lan Tạ cho biết: “Mùa này trời không hạn nặng, sắn cho năng suất cũng khá nhưng không được giá và chi phí thuê mướn nhân công cao nên lợi nhuận không được nhiều. Tuy nhiên, vì đây là công việc chính của người dân nên sau khi thu hoạch sắn xong, trời có mưa lúc nào là người dân lại phải tranh thủ để giâm hom vụ mới. Cứ thế, từ mùa này sang mùa nọ, người dân quen sống trong cảnh lao động bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuộc sống vẫn rất khốn khó”.

 

Rời Xí Thoại, chúng tôi lại xuôi về vùng biển Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), nơi những ngư dân có làn da rám nắng ngày đêm vật lộn mưu sinh nơi đầu sóng, ngọn gió để thu về những con cá, con tôm ngày càng khan hiếm.


Từng một thời nổi lên bởi con tôm, nhưng ở làng biển Hòa Tâm, cuộc sống của người dân đã bắt đầu trở nên yên ắng. Khi hào quang từ con tôm sú không còn đủ duy trì cho sự no đủ thì có người vẫn bám trụ với con tôm chứa đầy may rủi, người khác lại bắt đầu trở về với công việc bao đời nay của mình là dùng ghe đánh lưới hay cào ốc trên sông, cửa biển. Cứ mỗi chiều xuống, chiếc ghe nhỏ một người chèo lại dựa vào con nước và hướng gió để ra cửa sông. Đến 8-9 giờ đêm thì về mang theo tôm cá. Nếu may mắn, mỗi đêm, những ngư phủ cũng kiếm được 300.000-350.000 đồng, còn ít thì được 150.000 đồng chỉ đủ xoay tiền chợ. Ở cửa sông này, những nỗng cát nối nhau chạy dài quanh năm nắng nôi đổ lửa, người dân không có nhiều ghe lớn để vươn khơi, bám biển nên chủ yếu mưu sinh trên khu vực gần cửa biển, thu lợi từ sông… Và đến mùa mưa bão, khi ghe nằm yên trên bãi, cuộc mưu sinh lại nhọc nhằn hơn.

 

Thu nhập bình quân đầu người tại tỉnh Phú Yên năm 2015 là 32,8 triệu đồng/năm, thấp hơn mức bình quân của cả nước nên còn rất nhiều người dân có hoàn cảnh sống khốn khó, tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi cuộc sống qua ngày và nhiều người trong số đó không thuộc hộ nghèo hay cận nghèo nhưng cuộc sống vẫn chật vật, thiếu trước, hụt sau. Lo cho những nhu cầu tối thiểu đối với nhiều gia đình đã là khó khăn, huống gì là tích lũy để mua sắm các vật dụng có giá trị hay để dành khoản phí chăm lo cho sức khỏe. Cho nên nhiều gia đình, chẳng may rơi vào vòng bệnh tật thường lao đao không biết bám víu vào đâu.


Người dân khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An - Ảnh: THÁI HÀ

Cần được hỗ trợ

Tính đến hết tháng 5/2016, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện việc gia hạn và cấp mới 325.357 thẻ BHYT cho các đối tượng là hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn, người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển kịp thời, đúng quy định, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng. Tuy nhiên, trong khi người dân ở những vùng được coi là khó khăn của tỉnh được trang bị cho chiếc phao cứu sinh là chiếc thẻ BHYT để đề phòng những lúc bất trắc, những khi ốm đau, bệnh tật thì những gia đình thuộc hộ cận nghèo, hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình; học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc chưa được hỗ trợ đúng mức hoặc chưa nhận được sự hỗ trợ nào của địa phương để giúp họ được trang bị “chiếc phao cứu sinh” này.


Trong hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, Chính phủ đã giao các địa phương huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT mà trước mắt, địa phương cần có giải pháp hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ cận nghèo. Thế nhưng, tính đến tháng 6/2016, một số tỉnh, trong đó có Phú Yên vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ một phần mức đóng còn lại này. Để tăng mức bao phủ BHYT, hướng đến toàn dân đều được chăm sóc sức khỏe, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề nghị tăng mức hỗ trợ phí đóng BHYT cho nhóm cận nghèo từ 70% lên 100%, nhóm học sinh - sinh viên từ 30% lên 50%, nhóm gia đình thuộc hộ nông - lâm -diêm nghiệp từ 30% lên 50%. Riêng những hộ gia đình chưa có sự hỗ trợ nào thì đề nghị hỗ trợ 10%.

 

Ông Trần Quang Vinh, Giám đốc BHXH tỉnh Phú Yên cho biết, hiện tại, BHXH tỉnh đang triển khai thực hiện hỗ trợ phí đóng cho người dân thuộc hộ cận nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND phê duyệt với mức hỗ trợ thêm là 20%, nâng tổng mức hỗ trợ phí đóng cho hộ cận nghèo lên 90%. Tuy nhiên, những đối tượng khác phải đợi đến khi Thông tư liên tịch 37/TTLT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc có hiệu lực thì khi ấy mới được xem xét hỗ trợ và thời hạn để được hỗ trợ sớm nhất cũng phải đến năm 2017.

 

THÁI HÀ