Hành vi tốt của cán bộ y tế: Biện pháp truyền thông tốt nhất cho người bệnh

26/07/2016 06:59 AM



Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: VŨ HOÀNG

Để người bệnh tin tưởng, phó thác tính mạng vào cán bộ y tế thì mỗi cán bộ y tế phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp.

 

Qua đánh giá của Bộ Y tế, toàn ngành đã có những chuyển biến tích cực sau một năm triển khai thực hiện Quyết định 2151/QĐ-BYT về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ tiến tới sự hài lòng của người bệnh”. Sự chuyển biến thể hiện ở các cơ sở khám chữa bệnh cũng như y tế dự phòng. Hầu hết lãnh đạo các cơ sở y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng đã ý thức được tầm quan trọng đặc biệt của phong cách, thái độ phục vụ trong việc góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; hầu hết nhân viên y tế có sự chuyển biến tích cực, nhận thức được tầm quan trọng của phong cách, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được đầu tư thêm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh... Tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế” và triển khai cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp” với sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận: “Trong thời gian qua, hầu hết các đồng chí đã nỗ lực hết mình với tinh thần tự trọng, quyết tâm cao, đã có những thay đổi đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ, bước đầu mang đến sự hài lòng cho người bệnh”.

 

Bên cạnh những kết quả bước đầu, một số hành vi thiếu chuẩn mực vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc trong mắt người dân. Rải rác đâu đó vẫn còn có những nhân viên làm trong các cơ sở y tế la mắng bệnh nhân, thiếu tôn trọng người nhà người bệnh, dùng lời lẽ thiếu văn minh trong giao tiếp đã và đang làm dư luận xã hội quan tâm.

 

Qua phân tích đánh giá từ đường dây nóng mà người dân phản ánh về Bộ Y tế cho thấy phần lớn những cuộc gọi phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế rơi vào đội ngũ điều dưỡng viên và nhân viên phục vụ. Điều đó cho thấy cần phải tăng cường giáo dục y đức, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ nhân viên này. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ sở y tế phải được giao đủ quyền, mạnh dạn xửlý nghiêm các trường hợp vi phạm. “Vẫn có những “con sâu” tiếp tục “làm rầu nồi canh” thì phải đưa ra khỏi ngành. Mặc dù chúng ta tôn trọng sức lao động nhưng những hành động đó làm mất uy tín của ngành và hình ảnh người thầy thuốc cũng như chất lượng khám chữa bệnh của ngành”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

 

Tại Phú Yên, ngay sau khi có Quyết định 2151/KH-BYT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, ngành Y tế Phú Yên đã triển khai hết sức quyết liệt để nâng cao hiệu quả phục vụ người bệnh: thành lập ban chỉđạo trong toàn ngành; tổ chức quán triệt Quyết định 2151 đến toàn thể cán bộ viên chức từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo các cơ sở y tế với lãnh đạo Sở Y tế, giữa giám đốc các đơn vị với trưởng, phó khoa phòng và giữa cán bộ viên chức với trưởng, phó khoa phòng mình. Qua một năm thực hiện, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ viên chức ngành Y tế Phú Yên nói chung, ở các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế nói riêng đã có chuyển biến tích cực. Sự chuyển biến này được Bộ Y tế đánh giá cao và người dân trong tỉnh ghi nhận. Phú Yên được đoàn số 4 do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường làm trưởng đoàn kiểm tra tại hai cơ sở là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An; cả hai cơ sở y tế này đều đạt loại xuất sắc.

 

Xét trên bình diện tâm lý, điểm xấu lan rất nhanh và được nhớ rất lâu, trong khi điểm tốt thì ít được quan tâm và thường bị bỏ qua. Vì vậy hàng trăm, hàng ngàn hành vi tốt của người cán bộ y tế dễ bị quên đi nhưng chỉmột sai sót nhỏ thì để lại ấn tượng rất lâu, thậm chí tạo nên dư luận xã hội rất nhanh. Do đó, để bệnh nhân tin tưởng, phó thác tính mạng của họ vào người cán bộ y tế thì mỗi cán bộ y tế phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Trong thực thi nhiệm vụ, cán bộ y tế phải có hành vi chuẩn mực để người bệnh và thân nhân của họ tin tưởng, không để bất kỳ lý do nào có thể chi phối hành vi nghề nghiệp của mình. Có thể nói hành vi của người cán bộ y tế là biện pháp truyền thông tốt nhất cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

  

Theo baophuyen.com.vn