Chuyện về tấm thẻ BHYT

27/04/2016 10:47 AM


Chúng tôi đến thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An vào một ngày đầu hạ, cái nắng như thiêu đốt những ngày này đủ cho chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của đời sống bà con nơi mảnh đất giáp biển đông này. Mỗi ngày, với vài ba sào ruộng, vài mẻ lưới gần bờ chỉ vừa đủ cho mấy miệng ăn trong gia đình thì lấy đâu ra khoản dư để người dân nơi này nghĩ đến chuyện đi khám chữa bệnh khi không may đau ốm, bệnh tật. Bởi thế, người dân nơi đây rất coi trọng tấm thẻ BHYT do Nhà nước cấp miễn phí tựa như: giữ được vàng trong nhà.

Lần qua con hẻm nhỏ trong thôn, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Tâm, người vừa phát hiện bị ung thư dạ dày cách đây không lâu và hiện đang yên tâm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy vì nhờ có thẻ BHYT. Gặp và tiếp đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ vách đã hoen màu rêu cũ, chị Nguyễn Thị Hồng – vợ anh Tâm cho biết, anh Tâm phát hiện bị ung thư dạ dày từ tháng 10/2015 sau nhiều lần chần chừ không chịu đi khám vì nhà nghèo không có tiền và đến lúc phát hiện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng. Lúc phát hiện bệnh, gia đình gần như suy sụp hoàn toàn vì anh là trụ cột chính của gia đình, cùng với đó bác sĩ  bảo muốn chữa được bệnh phải cần thời gian dài và chi phí rất tốn kém, có khi lên đến cả trăm triệu. Lúc ấy, trong đầu chị thoạt nghĩ “chắc chỉ có đường chết mà thôi” vì có bán hết đất đai, bán cả nhà thì cũng không đủ tiền để chữa trị cho anh. Nhưng rồi như một phép màu đã đến với gia đình chị Hồng khi có chị cán bộ xã biết chuyện đến nhà chơi và “mách” vợ chồng chị cứ yên tâm lo chữa bệnh vì anh đã có thẻ BHYT nên khi đi khám bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị. Nhấp ngụm nước chị Hồng kể tiếp, vừa nghe chị cán bộ xã nói xong chị như vỡ òa trong hạnh phúc, những giọt nước mắt đau buồn giờ đã xen lẫn với niềm vui vì từ giờ đã có tiền chữa bệnh cho chồng.


Căn nhà nơi vợ chồng chị Hồng cùng hai con nhỏ đang sinh sống

Ngày đưa anh Tâm vào Sài Gòn làm phẫu thuật chị Hồng cho biết, bao nhiêu tiền tích góp, vay mượn họ hàng được vỏn vẹn có 25 triệu đồng nhưng chi phí cho ca mổ của anh đã hết phanh 20 triệu (bệnh của anh đang lúc nặng, phải mổ theo dịch vụ yêu cầu nên không thanh toán bằng thẻ BHYT được). Phẫu thuật xong, trong tay còn lại đúng 5 triệu đồng, chị Hồng ăn ngủ không yên suốt cả tháng ròng, mãi cho đến khi anh Tâm được xuất viện thì hai vợ chồng mới thở phào nhẹ nhõm vì chi phí cho cả đợt điều trị sau chỉ tốn thêm khoảng hơn 1 triệu đồng, số còn lại đã được quỹ BHYT thanh toán. Chị Hồng vừa mừng, vừa lo vì không biết người ta có tính nhầm hay không và sau này khi về hỏi lại chị cán bộ xã thì mới tin đó là sự thật. Giờ đây, cứ định kỳ anh Tâm lại tái khám và điều trị bằng phương pháp xạ trị nhưng gia đình rất yên tâm vì ngoài chi phí đi lại, ăn uống, gia đình không phải tốn thêm khoản chi phí nào nữa, quỹ BHYT đã thanh toán toàn bộ chi phí điều trị rồi.

Từ khi gia đình xảy ra chuyện mà giờ vợ chồng anh Tâm, chị Hồng mới thấm thía và thấy được ích lợi từ tấm thẻ BHYT. Giờ đây, mỗi khi có dịp ngồi với anh em, hàng xóm, chị đều đem chuyện thẻ BHYT ra kể và không quên nhắc mọi người hãy biết quý trọng nó, bằng chứng là tấm thẻ BHYT của mỗi thành viên trong gia đình chị đều được ép nhựa và cất giữ kỹ càng trong ngăn tủ, chỉ khi nào cần mới lấy ra dùng. Khi được hỏi nếu mai này khi không được cấp thẻ BHYT miễn phí nữa chị và gia đình có tham gia BHYT nữa không thì chị nhanh miệng đáp: có! và vội phân tích: “tuy lúc đầu bỏ ra số tiền vài trăm nghìn cũng tiếc thật nhưng lúc ốm đau, bệnh tật thì số tiền đó chẳng là bao, nhỡ mình không bệnh mà người khác có bệnh thì coi như mình hỗ trợ người ta”.

Nghe xong câu nói của chị chúng tôi bỗng cảm thấy ấm lòng, ấm vì người dân nghèo nơi đây giờ đã có thêm một “thẻ bài hộ mệnh” khi không may ốm đau, bệnh tật;  ấm vì con người nơi đây đã dần thấu hiểu được ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc của chính sách BHYT mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

 

Trần Đoàn