Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng BHXH khoảng 500.000 đồng/tháng
06/01/2016 07:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
“Từ 1/1/2016, mỗi tháng người lao động đi lao động nước ngoài đóng BHXH ở mức 22 % của 2 lần tiền lương cơ sở. Đây là một khoản để lo cho tuổi già và cũng không quá thách thức”.
Từ 1/1/2016, người lao động đi XKLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc
Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới về mức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ ngày 1/1/2016 theo quy định của NĐ 115/2015/NĐ-CP.
Trả lời về sự chênh lệch giữa mức 22% trên hai lần tiền lương cơ sở mà người lao động đi XKLĐ đóng với mức 8% lao động làm việc trong nước đang đóng, bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng không quá cao so với mặt bằng chung.
“Nếu người lao động làm việc trong nước, họ được tham gia vào quan hệ lao động. Khi đó người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng BHXH. Còn khi tham gia xuất khẩu lao động, người lao động được nhận tiền lương và đóng BHXH bắt buộc cũng là tiền để dành của họ cho tương lai”.
Theo Vụ Bảo hiểm xã hội, quy định đóng BHXH đối với lao động đi XKLĐ đã được quy định từ năm 2006. Theo đó người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nếu trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần.
Bà Trần Thị Thúy Nga giải thích: “Luật BHXH năm 2014 mở rộng thêm và áp dụng với tất cả lao động, dù trước đó chưa đóng BHXH thì khi làm việc ở nước ngoài đều thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất.
Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)
"Người lao động tham gia xuất khẩu lao động sau khi về nước có thể đóng BHXH tự nguyện hoặc bắt buộc nếu tiếp tục làm việc có hưởng tiền lương" - bà Trần Thị Thúy Nga nói.
Bà Trần Thị Thúy Nga lưu ý, không phải tất cả các quốc gia tiếp nhận lao động VN đều có các chế độ BHXH bắt buộc về hưu trí và tử tuất. “Malayxia, Hàn Quốc đều không có. Duy nhất Nhật Bản có chế độ dài hạn như hưu trí và tử tuất và sau khi hết hạn hợp đồng làm việc, người lao động sẽ nhận trợ cấp một lần. Ngoài ra, các chế độ BHXH ngắn hạn đều được tham gia tại nước sở tại như: Tai nạn lao động, ốm đau, chăm sóc y tế”.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đang xúc tiến đàm phán các hiệp định tương hỗ về BHXH với Đức và Hàn Quốc.
Đại diện Vụ BHXH cho biết thêm, Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016 đã đưa ra quy định người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ tham gia hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do đó, các chế độ BHXH bắt buộc thực hiện ở trong nước và ngoài nước sẽ bổ sung cho nhau. Trong ngắn hạn người lao động sẽ hưởng ở nước sở tại và dài hạn thì sẽ hưởng ở VN.
Đầu năm 2018, người nước ngoài được cấp giấy phép làm việc ở VN cũng phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là cơ hội để người lao động ở bất kỳ quốc gia nào cũng có khả năng hưởng lương hưu khi về già và người VN ra nước ngoài làm việc ở nước ngoài cũng vậy.
Linh hoạt phương thức đóng BHXH với lao động đi XKLĐ
Theo bà Trần Thị Thúy Nga: Người lao động có thể đóng trước 1 lần nhưng có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm, tùy thuộc vào sự lựa chọn của người lao động. Họ có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để trang trải những khoản như vậy nếu gặp khó khăn.
Theo dantri.com.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
BHXH TỈNH: ĐẢM BẢO SỰ HÀI LÒNG TRONG PHỤC VỤ
BHXH tỉnh Phú Yên: Vận động hỗ trợ gần 1.300 thẻ BHYT cho ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...