Bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng, phạt tù đến 10 năm nếu vi phạm hình sự về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp
04/12/2015 09:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 27/11, Ngày làm việc cuối của Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Nghị quyết về về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 26 chương, 426 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Một trong những điểm mới của Bộ Luật hình sự (sửa đổi) lần này là áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân phạm tội, và dành riêng Chương XI quy định về đối tượng chịu trách nhiệm hình sự mới này với 31 tội danh thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Ủy ban TVQH cho rằng: Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là nội dung mới trong lần sửa đổi này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào Bộ luật Hình sự là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Kết quả lấy ý kiến nhân dân và lấy ý kiến của ĐBQH bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân như dự thảo Bộ Luật. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo Bộ Luật hình sự quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Lần đầu tiên, Bộ Luật hình sự cũng quy định các nhóm tội danh về các hành vi vi phạm trong BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong 3 Điều: 214 (Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp), 215 (Tội gian lận BHYT) và Điều 216 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ). Các tội danh này thuộc Mục B “Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm” của Chương XVIII- Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Cụ thể, Điều 214 quy định “Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp”. Trong đó quy định, cá nhân thực hiện các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Các hành vi bao gồm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BH thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH; Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp.
Điều 215 về “Tội gian lận BHYT” quy định các hành vi chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Các hành vi bao gồm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.
Trong cả hai Điều luật này, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đều quy định mức phạt từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được áp dụng cho một trong các trường hợp vi phạm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.
Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm trong các trường hợp: Chiếm đoạt tiền số tiền 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong Điều 216 về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ gồm 3 khoản, quy định các mức phạt khác nhau theo mức độ vi phạm. Cụ thể, Bộ Luật quy định: Người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Các hành vi bao gồm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc của 10 người đến dưới 50 NLĐ).
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (số tiền từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, hoặc của từ 50 người đến dưới 200 người).
Điều 216 cũng quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong 3 tội danh này, Bộ Luật chỉ quy định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Điều 216 với Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Theo đó, pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Theo baobaohiemxahoi.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
BHXH TỈNH: ĐẢM BẢO SỰ HÀI LÒNG TRONG PHỤC VỤ
BHXH tỉnh Phú Yên: Vận động hỗ trợ gần 1.300 thẻ BHYT cho ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...