Giá như có Bảo hiểm Y tế!

26/08/2015 03:11 PM


Trong những ngày Hè nóng nực, không khó để bắt gặp những gương mặt phờ phạc, mệt mỏi vì bệnh tật của các bệnh nhân trong BV, đặc biệt là BV Nhi Trung ương (Hà Nội). Không chỉ cảm nhận được nỗi đau họ phải chịu đựng, tại những nơi này, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện xúc động…

Kể về ngày này năm ngoái, chị Phùng Thị Toan (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Một năm trước, con trai chị- cháu Nguyễn Văn Hùng (8 tuổi) là một cậu bé lanh lẹ, kháu khỉnh. Năm nào cháu cũng đạt HS giỏi. Chỉ vì một lần sốt cao, cháu lên cơn co giật. “Đưa cháu đến BV, chúng tôi mới biết cháu có khối u ác tính hình thành trong phổi. Bệnh không được phát hiện sớm là nguyên nhân khiến cháu không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh, dù chỉ là sốt”, chị Toan nói.

Từ ngày bệnh của cháu Hùng được phát hiện đến giờ, vợ chồng chị Toan đã phải nghỉ làm, thế chấp nhà để vay tiền đưa con đi BV. Cùng con đi chạy chữa hết nơi này, nơi khác, chị mới thấm thía lợi ích của BHYT mang lại. Ngày ấy, thấy con lúc nào cũng nhanh nhẹn, khỏe mạnh, đôi khi là nghịch ngợm, chị chẳng bao giờ có thể nghĩ, đến một ngày nào đó, cháu sẽ nằm đây, chân tay mềm nhũn, mắt mệt mỏi nhìn mẹ, không nhận thức được mọi thứ xung quanh. Chiếc đèn ông sao này, năm ngoái cháu vẫn còn tung tăng mang đi chơi khắp xóm… Chị Toan buồn bã: “Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người cũng chủ quan, thấy con khỏe nên không tham gia BHYT HS. Đến khi mang trọng bệnh, mới thật xót xa, mấy sào ruộng ở quê, rồi cũng phải bán đi thôi…”.

Khác với câu chuyện “giá như” ấy của chị Toan, chị Hoàng Thị Hóa (Hà Đông, Hà Nội) lại có cách nghĩ khác. Chị chia sẻ: Lúc đầu, tôi cũng không “thiết tha” gì với BHYT. Nghĩ rằng con mình chẳng bao giờ ốm, mà có ốm cũng chẳng đáng là bao, nên đắn đo có nên tham gia BHYT HS cho con hay không. Nhưng nghĩ kỹ lại, so với số tiền mình bỏ ra, thì lợi ích nhận được lớn lắm chứ. Nếu ngày ấy, tôi không mua, thì giờ con gái mình chẳng biết có trụ nổi không?

Vừa nói, chị Hóa vừa đưa tay quạt cho “cô công chúa nhỏ” đang ngủ- cháu Hằng, bị bệnh bạch cầu. Chị tiếp lời: Nằm ở đây, không cháu nào là không bệnh nặng cả. Cháu nào có BHYT thì bố mẹ còn gắng gượng được, chứ không có thẻ thì chật vật lắm, nhà có gì rồi cũng “đội nón” ra đi cả thôi.

Cùng nằm chung phòng hồi sức, nhưng hai câu chuyện, một có BHYT, một không có BHYT, khiến cho hai mảnh đời vốn khác nhau lại càng thêm nhiều ưu phiền. Bế con trên tay, chị Toan nghẹn giọng: “Càng nghe chuyện, tôi lại càng buồn hơn. Giá như tôi không tiếc chút tiền, thì giờ đâu đến cơ sự này”. Điều duy nhất chị có thể gửi gắm đến các phụ huynh như mình là: Hãy tham gia BHYT cho con em mình. Khó khăn đến mấy cũng đừng bỏ. Bởi chỉ khi rơi vào hoàn cảnh như chị lúc này, mới thấy rằng, đó chính là cứu cánh cứu sống cả gia đình, nhất là những gia đình nhà nông, điều kiện kinh tế vốn chẳng dư dả gì…

Chia sẻ những câu chuyện bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ của BV, chị Tâm- y tá đang làm nhiệm vụ truyền nước cho bệnh nhân ở phòng cho biết: Phần lớn những bệnh nhân nghèo, bệnh trọng lại thường không mua BHYT, khiến cho họ đã khó lại càng thêm khó, kiệt quệ vì bệnh tật. Chính vì vậy, các cán bộ y bác sỹ BV luôn động viên, nhắn nhủ gia đình nên tham gia BHYT, và phải tham gia lâu dài để phòng các trường hợp không may khác, sẽ được hưởng quyền lợi cao nhất, tránh tình trạng khi có bệnh mới mua. “Cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa thì mọi người mới hiểu và đồng thuận tham gia, đặc biệt là nhà trường, họ phải làm tốt công tác tư vấn ngay từ đầu, thì nhận thức của HS và gia đình mới có thể thay đổi được”, chị Tâm chia sẻ thêm.

Rời BV về, chúng tôi vẫn không khỏi xót xa với những câu nói của những bậc phụ huynh mà chúng tôi đã gặp bên giường bệnh: “Giá như có BHYT, giá như tôi đừng tiếc, giá như tôi đừng chủ quan!…”.

Có lẽ những câu “giá như” ấy, sẽ là tâm tình nhắn gửi sâu sắc nhất đến mọi người, nhất là một năm học nữa lại chuẩn bị bắt đầu.

Theo báo BHXH