Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học: Quốc hội cần sự nghiêm khắc để nâng cao chất lượng xây dựng luật

26/08/2015 02:13 PM


LTS: Sáng 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đại biểu Nguyễn Thái Học, Đoàn ĐBQH Phú Yên, trình bày ý kiến tại phiên thảo luận. Báo Phú Yên xin trích đăng ý kiến này.

Thứ nhất, về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và điều chỉnh chương trình pháp lệnh khóa XIII và năm 2015.

Tôi cơ bản thống nhất với báo cáo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nội dung này. Với điều kiện, khả năng và quỹ thời gian còn lại của nhiệm kỳ QH khóa XIII, đề nghị của UBTVQH là phù hợp, cần thiết và có tính khả thi cao. Tôi cũng thống nhất cao với việc kéo dài thời gian kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ QH để có thể thực hiện trọn vẹn những nội dung cần thiết trong công tác xây dựng luật của QH nhiệm kỳ khóa XIII.

 Có hai nội dung trong báo cáo của UBTVQH mà tôi rất quan tâm đó là:

 Một là, tình trạng tồn đọng văn bản quy định thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều. Tôi xin phép được nhấn mạnh cụm từ "vẫn còn nhiều".

 Hai là, việc gửi tài liệu của nhiều dự án luật cho cơ quan thẩm tra, UBTVQH và cho ĐBQH vẫn còn chậm, không đúng thời gian quy định.

 Điều làm tôi quan tâm là hàng năm trong báo cáo của UBTVQH về công tác xây dựng luật, pháp lệnh, hai nội dung này luôn được đề cập đến với nhìn nhận là những tồn tại khuyết điểm mang tính chủ quan. Trong nghị quyết của QH, QH cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ ngành phải chấn chỉnh, khắc phục thực tế này. Nhưng tôi thấy nghị quyết của QH chưa được Chính phủ và các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, nếu như ngay từ khâu xây dựng luật vướng mắc như thế này thì việc tổ chức triển khai thi hành luật không thể tốt lên được. Điều này cử tri không đồng tình và phát biểu rất bức xúc.

 Tôi đề nghị QH, UBTVQH phải yêu cầu xem xét trách nhiệm một cách nghiêm khắc đối với những cơ quan, những người có trách nhiệm để tồn tại kéo dài hai nội dung trên. Nếu không, những tồn tại, hạn chế này sẽ cứ lặp đi lặp lại mãi trong các báo cáo của UBTVQH.

 Sự nghiêm khắc và kiên quyết của QH, UBTVQH, dù là vào thời điểm cuối nhiệm kỳ nhưng sẽ có tác dụng không chỉ đối với công tác xây dựng luật hiện nay mà có ý nghĩa đối với nhiệm kỳ khóa XIV.

 Thứ hai, về đề nghị sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội.

Những ngày qua, cử tri và công luận dành sự quan tâm theo dõi sát sao việc QH chúng ta thảo luận xem xét quyết định như thế nào đối với Điều 60. Có sửa hay không? Sửa như thế nào? Điều này đòi hỏi QH chúng ta phải có sự phân tích đánh giá quyết định một cách thận trọng, khách quan và toàn diện.

Xét về nội dung của Điều 60, theo báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cũng như nhận thức của nhiều ĐBQH thì Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội thể hiện tính nhân văn, tiến bộ và phù hợp với lộ trình tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân theo chủ trương định hướng của Đảng và thể chế hóa pháp luật của Nhà nước. Xét về quy trình làm luật, Điều 60 đã được xem xét phân tích, đánh giá tác động của các đối tượng chịu sự điều chỉnh và được xem xét thông qua đúng trình tự luật.

Vậy vì sao một điều luật như Điều 60 đúng về bản chất ưu việt, đúng về quy trình làm luật mà lại đề nghị sửa đổi một cách nhanh chóng như vậy. Cho đến trước ngày 1/1/2016, quyền lợi của người lao động muốn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần vẫn được thực hiện đầy đủ. Chính phủ đề nghị sửa đổi điều luật này khi cho rằng có sự phản ứng của một bộ phận người lao động ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Tôi cho rằng, chỉ với lý do này để đề nghị sửa đổi Điều 60 là chưa thật sự thuyết phục. QH, ĐBQH cần lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người lao động, nhưng QH cũng cần lắng nghe ý kiến của tất cả những người lao động trên phạm vi cả nước. QH quyết định theo ý chí, nguyện vọng của toàn dân, quyết định mang tính quyền lực của toàn dân đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững, ổn định, lâu dài của toàn dân chứ không phải quyết định theo một bộ phận người lao động. Do vậy, tôi đề nghị trong kỳ họp này, QH không nên xem xét việc sửa đổi một điều luật chưa có hiệu lực thi hành mà chúng ta thống nhất đánh giá là nhân văn, tiến bộ. Sự chưa phù hợp với thực tế của điều luật đối với một bộ phận người lao động là một tình huống và tình huống này có thể xử lý được bằng một nghị quyết của QH. Tôi thống nhất với nhiều ĐBQH đã phát biểu trước tôi là đề nghị QH xem xét, ban hành nghị quyết với hai nội dung:

Một là, cho phép kéo dài việc thực hiện Điểm c, Khoản 1, Điều 55, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, quy định người lao động sau một năm nghỉ việc, nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Thời gian kéo dài bao lâu? Chúng ta cân nhắc quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế và với lộ trình tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân.

 Hai là, trong nghị quyết này giao Chính phủ khảo sát đánh giá ý kiến, kiến nghị của người lao động đối với Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 một cách toàn diện, rộng rãi đối với người lao động trên khắp các vùng miền, trên các lĩnh vực để kiến nghị với QH xem xét, điều chỉnh nếu xét thấy cần thiết. Tôi nghĩ rằng, với nghị quyết này thì mỗi một ĐBQH sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, để khảo sát, nắm bắt tình hình, nghe ý kiến, nguyện vọng của người lao động trên phạm vi cả nước để khi chúng ta quyết định thì chúng ta không phải áy náy, không phải băn khoăn là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri.

Theo PYO