Bảo hiểm y tế - chính sách nhân văn
27/06/2024 10:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”, ngày 1/7, ngày BHYT Việt Nam năm nay, cũng đồng thời tròn 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam. Tỉ lệ người tham gia tăng, quyền lợi được mở rộng và số chi khám chữa bệnh BHYT tăng, BHYT đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho chăm sóc sức khỏe người dân…
Bác sĩ nội soi tiêu hóa gây mê và can thiệp cắt polyp tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN
Để tuyên truyền về Luật BHYT, khuyến khích người dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế, ngày 18/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 823 lấy ngày 1/7 hằng năm là Ngày BHYT Việt Nam.
Việc Chính phủ quyết định chọn Ngày BHYT Việt Nam thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để người dân được chăm sóc sức khỏe, đánh đấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng.
Tỉ lệ bao phủ BHYT ngày càng tăng
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tại Phú Yên, năm 2009 thực hiện Luật BHYT, số người tham gia là 365.826 người, đạt tỉ lệ bao phủ 42,43% dân số. Đến năm 2023, số người tham gia BHYT là 826.923 người, đạt tỉ lệ 94,21% dân số. Riêng đối với số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) cũng tăng nhanh qua từng năm.
Nếu như năm 2009, có 747.556 lượt KCB ngoại trú và 46.017 lượt điều trị nội trú thì đến năm 2023, có hơn 1,89 triệu lượt người KCB BHYT, trong đó số lượt KCB ngoại trú là hơn 1,7 triệu lượt, số lượt KCB nội trú là 131.793 lượt.
Theo ông Trần Văn Toán, Giám đốc BHXH tỉnh, cùng với sự gia tăng về tỉ lệ người tham gia BHYT, số thu, chi BHYT qua từng năm gia tăng nhanh chóng.
Điều này cho thấy, ngoài nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, việc tạo điều kiện thuận lợi KCB ban đầu, việc KCB BHYT thông tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, thông tuyến tỉnh trên toàn quốc theo Luật BHYT cũng đã tác động làm tăng số lượt người tham gia BHYT và số lượt KCB BHYT...
Kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN
Để thực hiện tốt chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi BHYT cho người bệnh, những năm qua, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Y tế trong việc triển khai công tác KCB tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH tỉnh thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở y tế về công tác KCB BHYT, chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, sử dụng thuốc, hóa chất… nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, cũng như từng bước nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở.
“Song song đó, BHXH tỉnh còn thường xuyên phối hợp, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc và đề xuất các giải pháp triển khai, thực hiện quy định về pháp luật BHYT, đảm bảo theo quy định và quyền lợi của người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh. Định kỳ 6 tháng và hằng năm, BHXH và Sở Y tế phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình triển khai công tác KCB BHYT trong kỳ, đề ra các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt hơn trong thời gian đến”, Giám đốc BHXH tỉnh Trần Văn Toán cho biết thêm.
Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo
Theo ông Trần Văn Toán, trải qua 15 năm thực hiện Luật BHYT, nhìn chung, phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT tương đối toàn diện, bao gồm: Chi phí dịch vụ kỹ thuật KCB, thuốc điều trị, máu, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất khi người tham gia BHYT đi KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở KCB.
Ngoài ra, quỹ BHYT còn chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương đối với một số đối tượng ưu tiên, như: người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi… trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
“Quyền lợi về KCB BHYT có xu hướng ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế”, ông Trần Văn Toán nhấn mạnh.
Về công tác KCB BHYT, theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được phát triển toàn diện và rộng khắp. Người dân có thể khám, chữa bệnh BHYT ngay tại trạm y tế hoặc lên các tuyến trên tùy thuộc vào mức độ bệnh.
Ngoài ra, danh mục thuốc (bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế), vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật BHYT luôn được rà soát để cập nhật phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế…
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, độ bao phủ BHYT trên cả nước tăng nhanh và bền vững. Nếu như năm 2008, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT (đạt 46,1% dân số) thì đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT (đạt 93,3%), gấp 2,3 lần so với năm 2008.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Trong khi đó, để hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt 5 nhóm giải pháp chính. Trọng tâm là tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và Nhân dân trong việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT, tăng nhanh số người tham gia BHYT đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cá nhân có uy tín trong các khu dân cư để vận động người dân tham gia BHYT.
Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ BHYT nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, ngành, toàn thể xã hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT…
Song song đó, ngành BHXH, Y tế và các cơ quan liên quan cần tổ chức tốt công tác KCB BHYT đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT; quản lý có hiệu quả ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT.
Tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở KCB, phân bổ ngân sách hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách để củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu KCB BHYT. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đạt 95%.
Theo https://baophuyen.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...