BHYT có giá trị “ngoài sức tưởng tượng”
31/10/2022 11:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 21/10/2022, sinh viên N. đã được xuất viện sau 40 ngày điều trị, với nhiều ca phẫu thuật và cả ECMO để thoát cảnh “chỉ mành treo chuông”.
Ngày 10/9/2022, sinh viên H.N.S.N (19 tuổi) bị tai nạn giao thông, nhập BV Quân y 175 cấp cứu trong tình trạng sốc đa chấn thương, gồm các vị trí hàm mặt, chấn thương ngực kín, bụng kín và chi thể... Đa chấn thương khiến bệnh nhân lâm cảnh xuất huyết trong ổ bụng lượng nhiều, tình trạng hết sức nguy kịch, do đó các chuyên khoa khẩn trương lập ê kíp phẫu thuật để can thiệp kịp thời.
Các chuyên gia dốc sức can thiệp giữ mạng sinh viên N.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa vào khoa Hồi sức tích cực để điều trị và bước đầu chống sốc thành công. Song 72 giờ sau, bệnh nhân bị suy hô hấp, tình trạng nguy kịch dù hỗ trợ máy thở đã tối đa công suất. “Chúng tôi nhanh chóng tiến hành hội chẩn với các chuyên gia và quyết định đặt VV-ECMO (kỹ thuật ô-xy hóa qua màng ngoài cơ thể) để cứu sống bệnh nhân. Đây lại là quyết định không dễ do bệnh nhân có nhiều nguy cơ chảy máu, mà khi chạy ECMO bắt buộc phải dùng thuốc kháng đông”- BS.Tạ Văn Bạch, khoa Hồi sức tích cực, giải thích.
Bệnh nhân tổn thương phổi quá nặng, nên lưu lượng ECMO không đủ để hỗ trợ cho phổi, đồng thời xuất hiện tình trạng chảy máu rỉ rả mũi miệng và vết mổ ngay thành bụng. “Các bác sĩ bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng đông tối thiểu, chấp nhận nguy cơ đông màng ECMO sớm hơn bình thường để bảo vệ bệnh nhân, đồng thời đặt thêm đường lấy máu phụ để nâng lưu lượng ECMO”- BS.Bạch thông tin.
Với nỗ lực của các bác sĩ, giai đoạn nguy kịch nhất của bệnh nhân cuối cùng cũng đã vượt qua. Sau 7 ngày các chỉ số sinh tồn thay đổi tích cực cho thấy đáp ứng điều trị diễn tiến tốt, phổi dần cải thiện và bệnh nhân được cai ECMO. Bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ từ các chuyên khoa tiến hành phẫu thuật kết xương đùi hai bên, kết xương hàm mặt và tập cai máy thở...
ECMO không chỉ là kỹ thuật hiện đại mà còn rất tốn kém, chi phí vận hành trên dưới 70 triệu đồng/ngày. Qua 7 ngày sử dụng ECMO để bảo lưu tính mạng bệnh nhân, viện phí đã phát sinh trên dưới 490 triệu đồng. Khi sinh viên N. xuất viện, tổng viện phí ước tính tiền tỷ, BHYT HSSV mà em tham gia theo quy định đã giúp gia đình em vượt qua biến cố tài chính này.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 4/2021, P.H.N (36 tuổi, trú tỉnh Vĩnh Long) được xuất viện sau nhiều ngày được các chuyên gia BV Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị. Anh N. là bệnh nhân đặc biệt vì mắc Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền). Hơn 11 năm gần như liên tục nhập viện với 26 lần phẫu thuật, tính luôn viện phí lần này, tổng viện phí của anh N. là 40,8 tỷ đồng, trong đó BHYT chi trả tổng cộng 38,3 tỷ đồng.
Cũng mắc Hemophilia, thầy giáo D.V (30 tuổi, trú tỉnh Kiên Giang) không may bị gãy chân hồi tháng cuối năm 2019, trong lúc lên lớp dạy học ở đảo Hải Tặc. Gãy xương trên nền bệnh Hemophilia nên thầy V. phải nhập BV Chợ Rẫy điều trị chuyên sâu. Thông tin từ phía BV cho thấy, giữa tháng 11/2019 đến giữa tháng 1/2020, tổng viện phí của thầy V. đã lên tới 9,4 tỷ đồng. Qua nhiều lần nhập viện tiếp tục điều trị khiến tổng viện phí chưa dừng lại, đến khi kết thúc đợt điều trị này, tính ra BHYT đã chi trả giúp thầy D. số tiền hơn 13 tỷ đồng viện phí.
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước ghi nhận vài chục ca bệnh được BHYT chi trả tiền tỷ. Riêng nửa năm 2022 vừa qua, đã có 15 trường hợp BHYT chi trả hơn 1 tỷ đồng, trong đó có 4 ca chi trả trên 3 tỷ đồng.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...