Phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện cho người thân

20/10/2022 10:11 AM


Xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa hiện có hơn 400 người được hưởng lương hưu, bình quân mỗi người khoảng 3,5 đến 4,5 triệu mỗi tháng. Với vùng quê vốn mức sống không cao như huyện Tây Hòa thì đây là số tiền không hề nhỏ so với mức thu nhập chung của đại đa số người dân nơi đây. Nhiều gia đình có cả vợ chồng nhận lương hưu hàng tháng nên số tiền hàng tháng đảm bảo được chi tiêu sinh hoạt và có tiết kiệm. Thấy được lợi ích thiết thực, tính ưu việt của chính sách BHXH nên rất nhiều người trong số họ đã tiết kiệm một phần lương hưu của mình để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho các thành viên còn lại trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Hiệp đang chọn mức đóng BHXH tự nguyện phù hợp cho con gái từ số tiền lương hưu tiết kiệm

Điển hình như chị Nguyễn Thị Hiệp, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa năm nay tuổi 60, vốn là công nhân nông trường cà phê Sơn Thành, có thời gian vừa tham gia BHXH bắt buộc vừa tham gia BHXH tự nguyện. Hiện tại, vợ chồng chị vẫn còn lao động được nhiều việc để tăng thu nhập như trồng rau, nuôi gà, chăm vườn... nên cùng với số tiền 3,7 triệu đồng lương hưu mỗi tháng, gia đình chị cơ bản đủ chi tiêu và có tiết kiệm. Khác với nhiều người, chị lựa chọn phương thức tiết kiệm lâu dài, có kế hoạch và đảm bảo vững chắc hơn cho tương lai, đó là đóng BHXH tự nguyện cho chồng và con gái. Chị thổ lộ: “Từ bản thân mình, mình thấy cái nào lợi hơn mình biết. Tôi nhận lương hưu nhiều năm rồi, không phải lo chật vật từng đồng nữa, già rồi, làm việc nhẹ thôi chứ đâu còn sức làm ra tiền như lúc trẻ. Giờ già mới thấy giá trị của lương hưu nên mỗi tháng dành một ít đóng BHXH tự nguyện cho ông xã và con gái ở nhà. Tôi cũng vận động con gái đóng cho chồng nữa đấy”. Theo chị, mùa màng năm được năm mất nhưng lương hưu cứ thế nhận đều đều, khỏi phải lo nhiều, và nhất là không phụ thuộc vào các con. Chúng nó yên tâm mà lo gia đình nhỏ của mình, không suy nghĩ lo toan cho cuộc sống của bố mẹ.

Tương tự ở đây còn có chị Nguyễn Thị Yến, nhận lương hưu cách đây hơn 10 năm với số tiền gần 4 triệu đồng mỗi tháng, nhờ vậy cuộc sống gai đình khá ổn định. Mỗi tháng sau khi nhận lương hưu chị dành đóng BHXH tự nguyện cho con trai hiện đang làm trang trại. Chị cho biết: “Minh như vậy là cơ bản tạm ổn. Dù lương hưu không nhiều nhưng tuổi già chừng ấy cũng đủ chi tiêu. Giờ mình phải lo cho con bằng cách ấy thì an toàn và chắc chắn hơn. Hơn nữa, số tiền đóng không lớn, tiết kiệm hàng ngày thì tham gia BHXH tự nguyện được. Sau này, nó có đi làm công nhân ở đâu cũng đã có thời gian tham gia rồi; được cộng nối vào thì thời gian nhiều hơn, sau này nó nhận lương hưu cao hơn mình càng tốt”.

Từ khi có lương hưu, cuộc sống chị Nguyễn Thị Yến trở nên an nhàn, thảnh thơi

Theo chị Vũ Thị Hoàng Yến, nhân viên thu BHXH, BHYT của Bưu điện xã Sơn Thành Tây, nhiều người nhận lương hưu thấy được lợi ích và cuộc sống cơ bản ổn định lúc già nên khi vận động hầu hết họ rất đồng tình. Ở đây, số gia đình có con làm ăn xa, đã tham gia BHXH bắt buộc cũng nhiều. Số còn lại lao động tự do, làm nông, làm trang trị ở địa phương đều được bố mẹ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Chị Yến cho biết: “Ở đây có nhiều cô chú nhận lương hưu, rất an nhàn tuổi già nên họ muốn con cháu mình về sau cũng như thế. Bà con lối xóm nhìn vào cũng ước ao sau này mình cũng được như vậy có cuộc sống như thế. Hiện có nhiều cô chú nhận lương rồi đóng cho chồng, cho cho con”.

Trường hợp như bà Trần Thị Ất ở thôn Đá Mài, bà nhận lương hưu cách đây 12 năm, được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định với mức hưởng 95%. Trước đó, bà Ất là công nhân nông trường cà phê Sơn Thành, tham gia BHXH bắt buộc được 12 năm 6 tháng. Sau khi nghỉ việc, bà Ất có ý định nhận hưởng chế độ BHXH một lần để xoay xở chi tiêu những việc cần thiết trước mắt nhưng suy đi tính lại và nhất là “Ở đây chẳng ai cầm sổ đi nhận 1 lần mà mình nhận thì sao được”- lời bà Ất, cùng với được nhân viên thu tư vấn, phân tích thiệt hơn nên bà quyết định tiếp tục tham gia bằng hình thức tự nguyện. Bây giờ nghĩ lại, bà cứ cho mình may mắn vì lúc đó lỡ nhận một lần, giờ chẳng biết tính làm sao! “Giờ cứ đến tháng nhận lương, chẳng phải lo gì cả. Hàng tháng cứ thế mà rút tiền ra chi tiêu”. Hiện tại không những bà đăng ký đóng BHXH tự nguyện cho con mà còn là một “tuyên truyền viên” tích cực của chính sách BHXH ở vùng đất nay.

Chị Lương Thị Hồng Na, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây trao đổi với chúng tôi: “Người dân ở đây mắt thấy tai nghe, thấy quyền lợi thiết thực từ thực tế cuộc sống của chính mình, của người đi trước nên họ hiểu hơn, thấm thía hơn chính sách BHXH tự nguyện dành cho lao động tự do. Nhiều người hết tuổi lao động có lương hưu không những không phụ vào cọn cháu mà còn cho con tiền để đóng BHXH tự nguyện. Họ lựa chọn cách tiết kiệm, tích lũy cho người thân thông qua hình thức mà chính họ đang thụ hưởng. Đó còn thể hiện tình thương và trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Lãnh đạo xã cũng đã tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu, tham gia cho chính mình để có cuộc sống tốt hơn về sau như những cô chú ở đây”.

BHXH tự nguyện là chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người dân có cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động. Mọi người cần chủ động tiết kiệm, tích lũy xem như “của để dành” để an hưởng lúc về già. Tiết kiệm chi tiêu khi còn sức lao động để hưởng thụ lúc về già - Phương châm sống rất cần thiết cho mọi người.

Quang Phương