Nỗ lực vì mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân

16/05/2022 08:38 AM


Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội-điểm tựa của bạn và gia đình”, lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức chỉ trong ngày đầu trên toàn quốc (8/5) đã thu hút hơn 22 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hơn 53 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, khoảng 168 nghìn người được truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp...

Truyền thông chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện đến người lao động tự do tại tỉnh Bắc Giang. (Ảnh TRUNG TÂM)

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua đã tạo nên những khó khăn, thách thức không nhỏ tới công tác mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, những mô hình vận động, tuyên truyền linh hoạt được triển khai ở các địa phương đã giúp số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng đều theo từng năm.

Truyền thông-cánh tay nối dài

Phát biểu tại Lễ ra quân, Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết, những năm qua, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với hệ thống đại lý thu và mạng lưới cộng tác viên đông đảo, luôn đồng hành cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khẳng định vai trò là “cánh tay nối dài” của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Thời gian qua, Bưu điện Việt Nam là một trong những đơn vị linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội các cấp triển khai các hình thức truyền thông, như: Tổ chức các lễ ra quân, hội nghị khách hàng, hội nghị truyền thông trực tuyến, tư vấn trực tiếp tới từng cá nhân, hộ gia đình... Kết quả, trong những năm qua, Bưu điện Việt Nam đã phát triển được gần một triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội tự nguyện và gần sáu triệu người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trên toàn quốc.

Với mục tiêu góp phần hiệu quả cùng ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các nghị quyết của Ðảng, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào cho biết, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Bưu điện Việt Nam xác định công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện-bảo hiểm y tế hộ gia đình là nhiệm vụ chính trị, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành bưu điện để đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả mặt công tác này.

Khó khăn chung do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Ðào Việt Ánh cho biết, tinh thần chủ động, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông. Kết quả, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục tăng và mở rộng.

Tính đến hết ngày 30/4/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521 nghìn người so cùng kỳ năm 2021, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so cùng kỳ, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so cùng kỳ năm 2021; số người tham gia bảo hiểm y tế hơn 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.  

Vì mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân

Ðể có thể hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các nghị quyết của Ðảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với lộ trình, giải pháp cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Ủy ban nhân dân các cấp về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Hệ thống chính trị địa phương cần vào cuộc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế của địa phương để nâng cao tỷ lệ tham gia, hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. 

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để “dân hiểu, dân biết, dân tin, dân nghe, dân theo, dân làm” trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tiếp tục tổ chức các đợt truyền thông cao điểm gắn với phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, trong đó tập trung truyền thông sâu rộng về những giá trị, lợi ích các chính sách đem đến cho nhân dân, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, lâu dài nhằm phát triển nhanh và duy trì bền vững người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

TÂM TRUNG

 

Theo https://nhandan.vn/