Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khảo sát mô hình thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay
14/11/2022 11:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 11/11, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng Đoàn công tác của BHXH Việt Nam đã có buổi kiểm tra, khảo sát mô hình thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong KCB BHYT tại BVĐK An Việt và tiếp nhận hồ sơ tích hợp xác thực sinh trắc vân tay tại bộ phận “Một cửa” của BHXH quận Đống Đa. Tham gia đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu- ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Bộ Công an).
Đây là một trong những giải pháp được ngành BHXH Việt Nam triển khai theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đoàn công tác chứng kiến người dân sử dụng ứng dụng công nghệ
Tại BVĐK An Việt, sau khi chứng kiến người dân, đồng thời trực tiếp trải nghiệm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp để đăng ký KCB BHYT, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, ứng dụng đã cho thấy được hiệu quả bước đầu, đáp ứng các tiêu chí đề ra. Theo đó, chỉ với một vài thao tác dễ dàng, toàn bộ thông tin của người dân đến đăng ký KCB đều được hiện rõ trên màn hình máy tính của cán BV. “Đây là một bước tiến của ngành BHXH Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, cũng như giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT…”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
Trao đổi với người dân, lãnh đạo và cán bộ y tế BVĐK An Việt, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, nhằm đơn giản hóa TTHC, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi KCB BHYT, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc, dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư trong KCB BHYT. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục KCB BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp tại 5 cơ sở KCB BHYT tại Hà Nội và Quảng Bình.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh trực tiếp trải nghiệm công nghệ
Để ứng dụng được thí điểm hiệu quả, làm bước đệm cho triển khai quy mô toàn quốc trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị Trung tâm CNTT phối hợp với các đơn vị, tích cực hỗ trợ các cơ sở KCB, đảm bảo về mặt kỹ thuật, tạo thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng sinh trắc, cũng như công tác KCB của cơ sở KCB; các cơ sở KCB phối hợp với cơ quan BHXH, tạo mọi điều kiện cho người dân đến đăng ký KCB được sử dụng ứng dụng nhanh chóng, dễ dàng. “Chúng ta cần phối hợp để người dân cảm thấy thoải mái mỗi khi đến các cơ sở KCB và được sử dụng những ứng dụng tiện lợi mà ngành BHXH Việt Nam triển khai”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.
Là một trong những đơn vị được triển khai thí điểm, BVĐK An Việt hiện đang tích cực thực hiện tiếp đón, quản lý người bệnh BHYT đến KCB với thủ tục đăng ký theo công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp. Đánh giá cao các ưu điểm của ứng dụng này đem lại khi mà hầu hết người dân đều đã sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An- Giám đốc chuyên môn BVĐK An Việt khẳng định, việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp trong KCB BHYT sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho người bệnh, nhân viên y tế và cán bộ giám định BHYT tại BV.
Lãnh đạo BVĐK An Việt đánh gia cao ứng dụng công nghệ của BHXH Việt Nam triển khai
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, ứng dụng công nghệ này giúp giảm đáng kể thời gian, thủ tục đăng ký KCB, tạo sự tiện lợi tối đa cho người bệnh, mặt khác còn giúp nhân viên y tế xác thực chính xác bệnh nhân thông qua nhận diện vân tay của người bệnh. Đặc biệt, người bệnh không thể mượn thẻ của người khác để đi KCB, nhờ đó quỹ BHYT được quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn.
“Trước đây, khi người dân chỉ sử dụng thẻ BHYT giấy trong KCB, nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn đối với các trường hợp thẻ bị cũ, mờ thông tin nên mất rất nhiều thời gian cho việc so sánh, đối chiếu với thông tin, hình ảnh trong chứng minh thư nhân dân của người bệnh. Thủ tục KCB trước gồm nhiều bước, song nay nhờ có việc ứng dụng CNTT này vào KCB BHYT đã giúp đơn giản, tiết kiệm thời gian 3-4 lần so với trước”- PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An chỉ rõ.
Nhiều người dân hào hứng đăng ký KCB BHYT với công nghệ mới
Lần đầu tiên trải nghiệm việc làm thủ tục KCB bằng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay trên thẻ CCCD gắn chíp, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ, đây là một trải nghiệm hết sức mới mẻ đối với tôi. Trước đây khi đi KCB, tôi thường sử dụng thẻ BHYT giấy và chứng minh thư. Khi có CCCD gắn chíp và sử dụng vân tay để đăng ký KCB như thế này thật sự rất thuận lợi cho người dân chúng tôi. “Không cần nhiều loại giấy tờ, không cần nhiều thủ tục, chỉ cần 2 thao tác đơn giản là xong”- chị Hạnh nói.
Cũng như chị Hạnh, anh Trần Tiến Đạt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra vô cùng hào hứng với phương pháp đăng ký KCB mới này. “Tôi hi vọng các BV trên toàn quốc sớm áp dụng phương pháp này để người dân chúng tôi khi đi KCB được giải quyết thủ tục nhanh chóng nhất. Đặc biệt là những người lớn tuổi như bố mẹ tôi rất hay quên nên chỉ cần thẻ CCCD gắn chíp có thể giải quyết vấn đề KCB. Tôi rất tin tưởng và ủng hộ cơ quan BHXH đã đưa ra phương pháp mới mẻ và hiệu quả này”- anh Đạt nói.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh kiểm tra tại BHXH quận Đống Đa
Tại bộ phận “Một cửa” của BHXH quận Đống Đa, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng Đoàn công tác đã nghe giới thiệu những tính năng, tiện ích trong việc triển khai thí điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ BHXH, BHYT tích hợp xác thực sinh trắc vân tay. Thông qua đó, viên chức tại bộ phận "Một cửa" có thể xác định danh tính và an tâm giải quyết các quyền lợi liên quan cho người tham gia. Đồng thời, việc tích hợp xác thực sinh trắc vân tay trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cũng giúp cơ quan BHXH giảm thời gian trong khâu tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo kiểm soát được thông tin công dân, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như giải quyết hồ sơ cho người dân.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, trong thời gian qua, đã có trường hợp làm giả giấy tờ tùy thân một cách tinh vi để lạm dụng, trục lợi các chế độ BHXH, BHYT. Viên chức cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, đối chiếu thông tin người nộp hồ sơ hưởng các chế độ BHXH, BHYT và giải quyết chính sách cho người tham gia. Với việc tích hợp xác thực sinh trắc vân tay vào khâu tiếp nhận hồ sơ sẽ giúp viên chức phụ trách khâu tiếp nhận hồ sơ có thể xác định chính xác thông tin người nộp hồ sơ một cách nhanh chóng, đảm bảo khâu giải quyết các quyền lợi liên quan đúng- đủ theo quy định, không làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT.
Người dân đăng ký nộp hồ sơ thông qua công nghệ sinh trắc vân tay
Nhấn mạnh, đây là ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH quận Đống Đa, trong quá trình triển khai thí điểm tổng hợp ý kiến đánh giá, góp ý để Ngành hoàn thiện hơn nữa các tính năng liên quan nhằm phục vụ công dân, người tham gia BHXH, BHYT một cách tối ưu nhất.
Được biết, tại BHXH quận Đống đa, mỗi ngày phải giải quyết khoảng 3.700 hồ sơ, trong đó có khoảng 3.500 hồ sơ là thực hiện qua giao dịch điện tử. Riêng khu vực tiếp khách tại bộ phận “Một cửa” của đơn vị, mỗi ngày cũng có khoảng 200 người dân đến làm việc. Do đó, việc áp dụng ứng dụng xác thực sinh trắc vân tay này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như cán bộ BHXH.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu triển khai hiệu quả ứng dụng để phục vụ người dân
“Không phải đối chiếu theo phương pháp thủ công truyền thống như nhìn mặt và chứng minh thư mà thay vào đó với phương pháp mới này, cán bộ BHXH sẽ nắm bắt được thông tin người đến làm thủ tục một cách chính xác, từ đó đảm bảo việc chi trả, giải quyết các thủ tục một cách chính xác nhất. Khi ứng dụng xác thực sinh trắc vân tay sẽ góp phần chống việc trục lợi quỹ BHXH đồng thời phục vụ việc quản lý người hưởng các chế độ BHXH, BHYT được tốt hơn”- Giám đốc BHXH quận Đống Đa Đỗ Thị Tuyết Nga chia sẻ.
Trước đó, ngày 8/11, Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đã tập huấn triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc vân tay tại bộ phận “Một cửa” BHXH tỉnh Bình Dương. Tại buổi tập huấn, CCVC BHXH tỉnh Bình Dương đã được trải nghiệm công nghệ này bằng chính CCCD gắn chíp điện tử của mình một cách rất thành công. Sau khi đặt thẻ CCCD và ngón tay trỏ của chủ thẻ CCCD lên máy kiểm tra sinh trắc vân tay, toàn bộ thông tin chủ CCCD sẽ hiện lên màn hình vi tính, xác nhận CCCD và người dùng là một.
Người dân đăng ký làm việc tại BHXH tỉnh Bình Dương qua công nghệ sinh trắc
Tiếp sau đó Trung tâm CNTT (BHXH Việt Nam) đã triển khai thí điểm tại bộ phận “Một cửa” BHXH tỉnh Bình Dương. Sau khi được trải nghiệm công nghệ này bằng CCCD gắn chíp của mình, bà Lê Minh Lý- Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: “Đây là công nghệ rất hiện đại, có công nghệ này chắc chắn việc trục lợi BHXH một lần, chế độ thai sản… sẽ không còn xảy ra. Bởi thông qua công nghệ này, máy kiểm tra sinh trắc vân tay sẽ biết được CCCD với vân tay người dùng có phải là một. Vì vậy việc làm giả CCCD để làm thủ tục nhận BHXH một lần, chế độ thai sản… sẽ được loại bỏ”.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...