Công tác thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam: Hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT

26/10/2022 03:11 PM


Thời gian qua, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thì công tác thanh tra tra chuyên ngành đóng, kiểm tra, xử lý vi phạm của BHXH Việt Nam được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Công tác thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam: Hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH, BHYT (Ảnh minh họa)

Kết quả đạt được từ công tác thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng và xử lý vi phạm đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT, từ đó củng cố niềm tin vững chắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.

Thống kê của BHXH Việt Nam: Năm 2021 và 09 tháng đầu năm 2022, thông qua công tác TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN đã thu hồi 4.383 tỷ đồng tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT (trong đó năm 2021 là 2.445 tỷ đồng, 09 tháng năm 2022 là 1.938 tỷ đồng).

Đặc biệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN những tháng cuối năm 2022, BHXH Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ, trong đó là giải pháp tổ chức các đoàn TTCN tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra… Nhờ việc triển khai đồng bộ các nội dung trên, chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện TTCN đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên và có số nợ lớn, sau thanh tra ngoài việc yêu cầu các đơn vị SDLĐ thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng BHXH, BHTN, BHYT mới phát sinh còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT cũ. Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2022 số tiền chậm đóng được thu hồi qua thanh tra sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng.

Đồng thời với việc tăng cường thu hồi nợ, giảm tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, năm 2021 và 09 tháng năm 2022, qua công tác thanh tra đã phát hiện: 92.380 người chưa tham gia (năm 2021 là 42.000 người, 09 tháng năm 2022 là 50.380 người); đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng với số tiền truy đóng là 246,6 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỷ đồng, 09 tháng năm 2022 là 119 tỷ đồng), do đó đã góp phần vào việc tăng thu, phát triển người tham gia của Ngành.

Hiệu quả hoạt động TTCN về đóng BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của chủ SDLĐ, quyền lợi NLĐ được đảm bảo, chế độ được giải quyết kịp thời - đúng - đủ. Kết quả nói trên là cơ sở thực tiễn để khẳng định cơ quan BHXH có khả năng, nhân lực và nguồn lực thực hiện nhiệm vụ TTCN để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Là cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước, có tổ chức bộ máy theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, có phạm vi đối tượng quản lý lớn, do đó Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) - đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV- đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra, trong đó có cơ quan BHXH. Việc quy định như vậy là thực sự cần thiết phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo https://baohiemxahoi.gov.vn