Ngành BHXH Việt Nam khắc ghi công lao của các anh hùng liệt sĩ
04/07/2022 08:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), trong hai ngày 2-3/7, Đoàn công tác BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến về nguồn tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng trị. Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; cùng đại diện BHXH các tỉnh mà Đoàn đến thăm.
Bắt đầu chuyến về nguồn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tại đây, Tổng Giám đốc và Đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc- nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ TNXP trong cả nước và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh dâng hương tại Di tích Ngã ba Đồng Lộc
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Các anh hùng liệt sĩ mãi là tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, của dân tộc.
Khắc ghi những cống hiến, hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cùng Đoàn công tác nguyện hứa tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đoàn kết một lòng xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại và chuyên nghiệp, cũng như góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.
Đoàn công tác viếng các anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc
Với vị trí yết hầu, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên các hành lang giao thông nối liền Bắc-Nam, Đông-Tây, là điểm trung chuyển cho các chiến trường hai miền Nam-Bắc và chiến trường Lào. Chiến trường Đồng Lộc những năm 1964-1972 đã ghi dấu hàng vạn chiến sĩ, TNXP, dân công hỏa tuyến và người dân nơi đây anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để mạch máu giao thông không bị tắc nghẽn. Lúc cao điểm, nơi này có tới 16.000 người làm nhiệm vụ, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP phá bom, mở đường.
Tính bình quân, mỗi mét vuông của mảnh đất Ngã Ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu 3 tấn bom đạn. Đặc biệt, Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 cô gái TNXP Tiểu đội 4 (Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ, khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.
Đoàn công tác thắp hương cho các nữ TNXP
Sự hy sinh anh dũng của các nữ TNXP đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ đó, địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bất tử đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Cùng ngày, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến viếng và dâng hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa-Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã thành kính thỉnh chuông, đặt hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng; một tài năng quân sự xuất chúng, nhà văn hóa lớn, có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đoàn công tác thắp hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong giờ phút thiêng liêng trang trọng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ và lòng biết ơn sâu sắc trước những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, nguyện cùng toàn ngành BHXH Việt Nam đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo an sinh xã hội đất nước bền vững.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), trong một gia đình có truyền thống yêu nước, một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân yêu mến, kính trọng, suy tôn là "Người Anh Cả" của QĐND Việt Nam, nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo nhân dân thế giới.
Đoàn công tác dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường sơn
Tiếp tục chuyến về nguồn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (trên địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ từng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh, có tổng diện tích 140.000m2, trong đó diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính. Nghĩa trang này thường xuyên được quan tâm tu bổ, coi sóc để tiếp đón các gia đình liệt sĩ, các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ- những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những vòng hoa tươi cùng nén hương thơm được dâng lên hương hồn các anh thể hiện sự ghi nhận và biết ơn của toàn thể CCVC, NLĐ ngành BHXH Việt Nam trước anh linh của những người đã không tiếc tuổi xuân, máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất cả nước. Các khối tượng đài, phù điêu tại nghĩa trang thể hiện sự tôn vinh, niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người đã đổ máu đào để giành độc lập cho dân tộc và thống nhất non sông.
Trong khi đó, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nằm bên cạnh quốc lộ 9, trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4 (thị xã Ðông Hà), cách trung tâm thị xã gần 6 km về phía Tây. Nghĩa trang được nâng cấp, xây dựng từ Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Ðông Hà. Đây là là nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng liệt sĩ với đầy đủ ba thứ quân gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và TNXP đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Đoàn công tác dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường 9 là một con đường chiến lược của Mỹ-ngụy, nối liền từ biên giới Việt-Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ-ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt; đồng thời đó cũng là nỗi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ-ngụy trong những năm 1965-1972.
Cũng tại Quảng Trị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Tại đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã kính cẩn dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm khốc liệt mùa Hè năm 1972 (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972). Hàng nghìn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất Thành cổ Quảng Trị, để non sông đất nước được độc lập thống nhất, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi lưu bút tại Di tích Thành cổ Quảng Trị
Sau khi làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và Đoàn công tác đã nghe cán bộ Ban Quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị giới thiệu những nét khái quát về di tích và những dấu ấn lịch sử đặc biệt tại Thành cổ. Lời hướng dẫn viên như tái hiện những thước phim bi tráng về những chiến tích, những người anh hùng, những câu chuyện, câu thơ xúc động về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ- những người đã xả thân trên tuyến lửa Quảng Trị 50 năm về trước.
Thanh Hằng
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...