Toàn ngành BHXH Việt Nam chung sức thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19

17/11/2021 08:55 AM


Nhằm phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, mới đây, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Phấn đấu thực hiện mục tiêu kép

Triển khai thực hiện Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua, ngày 11/11, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 3648/KH-BHXH triển khai thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Phong trào nhằm phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo của các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành, thi đua đề xuất các sáng kiến, giải pháp khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, với phương châm “phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên”, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” đó là vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. BHXH Việt Nam tổ chức hưởng ứng phong trào với nội dung, hình thức phong phú, phù hợp, thiết thực, nhằm động viên các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành hưởng ứng, tích cực triển khai thực hiện và lan tỏa nhân rộng mang lại hiệu quả.

BHXH Việt Nam yêu cầu phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, đồng bộ trong toàn Ngành, bám sát tình hình thực tế của đơn vị và địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các đơn vị trong toàn Ngành tổ chức hưởng ứng, triển khai phong trào với nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua, đẩy lùi dịch bệnh và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, thi đua thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị chức năng về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và những người xung quanh chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh, góp phần giữ vững an toàn cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.

Thi đua phát huy sáng kiến, xây dựng mô hình mới cải tiến công việc; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp, tổ chức triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn liền với phòng chống dịch bệnh, chủ động để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của cơ quan, đơn vị trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, giữ vững môi trường làm việc an toàn trong đơn vị, nhằm bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ CBVC và NLĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân. 

Thi đua đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, đảm bảo hệ thống phần mềm liên thông; sáng tạo trong áp dụng, sử dụng, khai thác triệt để, hiệu quả hệ thống CSDL, các phần mềm nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, đảm bảo phục vụ kịp thời, tốt nhất quyền lợi của người dân, DN và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT; hỗ trợ kịp thời hoạt động phòng chống dịch bệnh...

Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả

Để thực hiện tốt các nội dung trên, BHXH Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện các giải pháp, tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngành BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm, rõ kết quả"; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của CBVC; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, DN và người dân, với phương châm hành động của ngành BHXH Việt Nam trong năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". 

Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần bám sát Kế hoạch số 2800/KH-BHXH ngày 6/9/2021 của BHXH Việt Nam về thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, tăng cường rà soát, phân tích, khai thác CSDL (dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp, dữ liệu trên phần mềm nghiệp vụ, thanh tra và kiểm tra điện tử...) để xây dựng kịch bản chi tiết, thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Thu hồi, giảm nợ đọng BHXH, BHYT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Tập trung triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2021-2022, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT.

Tăng cường tổ chức các hội nghị khách hàng, đẩy mạnh truyền thông theo hình thức trực tuyến, phát huy thế mạnh trên nền tảng mạng xã hội để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, từng nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Với công tác tuyên truyền, các đơn vị cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông của Ngành, tập trung, thống nhất theo các kế hoạch, kịch bản truyền thông; phát huy hiệu quả hình thức truyền thông trực tuyến, trên nền tảng mạng xã hội (chú trọng truyền thông về giá trị nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, BHYT trong việc góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19; về sự tiện lợi, nhanh chóng trong việc nhận các chế độ, trợ cấp qua tài khoản ATM; về lợi ích của việc cài đặt, sử dụng VssID trong thực hiện các dịch vụ BHXH, BHYT...) đảm bảo đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác truyền thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử; tập trung triển khai thí điểm tích hợp Bộ tiêu chí nhận diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên phần mềm thanh tra; triển khai áp dụng, ứng dụng CNTT, tập trung rà soát, phân tích CSDL, làm căn cứ trước khi tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT; nghiên cứu, xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra điện tử phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, giải quyết đúng thời gian, hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với đời sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, các địa phương, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các cơ sở KCB trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHYT, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người bệnh tham gia BHYT; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thanh quyết toán, tạm ứng kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở y tế trọng điểm, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4 (100% DVC của Ngành được thực hiện ở mức độ 4); tích hợp, cung cấp thêm các DVC của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ trên ứng dụng VssID; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, nhất là hệ thống phần mềm quyết toán tập trung, cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành; triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định CSDL quốc gia về BH; đồng thời phát huy tối đa hiệu quả nền tảng CNTT của ngành BHXH Việt Nam, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp thông qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch Covid-19.

Phát hiện, động viên, biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua yêu nước, thi đua chuyên đề, đột xuất và trong phòng chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền. Gắn kết quả việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 với công tác đánh giá, xếp loại chất lượng công tác của các tập thể, cá nhân tại đơn vị. Với những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, đủ điều kiện theo quy định, lập hồ sơ đề nghị Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khen thưởng hoặc xem xét, trình cấp trên khen thưởng.

Về tiêu chí thi đua, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị và CBVC, NLĐ thi đua thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống đại dịch Covid-19, thực hiện tốt biện pháp 5K và các tiêu chí cụ thể. Trong đó, tập thể thực hiện tốt, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao (bao gồm phòng chống đại dịch Covid-19), năng động, sáng tạo, theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong phạm vi được phân công phụ trách; chủ động phân tích, đánh giá, dự báo, đề xuất các phương án, kịch bản ứng phó với từng cấp độ của dịch bệnh để tham mưu kịp thời và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả cao. CBVC, NLĐ thi đua lao động, chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch; đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, tham gia tích cực trong phòng chống dịch bệnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các hình thức khen thưởng gồm có: Huân chương Lao động các hạng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Về tiêu chuẩn khen thưởng, căn cứ thành tích trong công tác và nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, việc xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

BHXH Việt Nam đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức hưởng ứng phong trào phù hợp điều kiện thực tiễn của đơn vị; thực hiện đánh giá, khen thưởng theo quy định; báo cáo kết quả đạt được cùng với kết quả năm công tác về BHXH Việt Nam (qua Vụ Thi đua-Khen thưởng) để tổng hợp. 

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/