BH thất nghiệp: Niềm tin vào chính sách

26/10/2021 04:40 PM


Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, chính sách BH thất nghiệp đã khẳng định vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp, hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí BHXH đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam.

* PV: Trong lúc thiên tai, dịch bệnh, chính sách BH thất nghiệp được xã hội đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, trợ cấp thất nghiệp đang trở thành chỗ dựa của nhiều NLĐ trong bối cảnh mất việc làm gia tăng. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?

- Ông Đỗ Ngọc Thọ: Chính sách BH thất nghiệp theo quy định tại Luật BHXH năm 2006 được tổ chức thực hiện từ ngày 1/1/2009 với mục tiêu hỗ trợ NLĐ một phần thu nhập khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp NLĐ sớm trở lại thị trường lao động.

Từ ngày 1/1/2015, chính sách BH thất nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách. Từ gần 6 triệu người tham gia BH thất nghiệp vào năm 2009, đến 31/12/2020 trong cả nước đã có trên 13,3 triệu người tham gia; tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 6,74 triệu người với số tiền chi trả trên 67.900 tỷ đồng. Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 227.000 người với số tiền hỗ trợ 425 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ BH thất nghiệp còn chi trả tiền đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp ngắn, số người hưởng hỗ trợ học nghề chưa cao, nên số chi các chế độ BH thất nghiệp trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30% so với số thu quỹ BH thất nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là 52% trở lên thì đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt trong năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 92%. Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn quốc đã tiếp nhận để chi trả chế độ BH thất nghiệp cho trên 550.000 người với số tiền chi trả trên 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2020.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, BH thất nghiệp đã thật sự trở thành chỗ dựa cho hàng triệu NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người SDLĐ giảm bớt áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho NLĐ.

* Khi có biến cố như dịch bệnh, thiên tai… xảy ra thì sự hỗ trợ của Nhà nước là cần hơn bao giờ hết. Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có những chính sách về BHXH, BH thất nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ và chủ SDLĐ vượt qua khó khăn do COVID-19. Ông đánh giá như thế nào về những gói hỗ trợ này, đặc biệt là gói hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ?

- Năm 2020, Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ cho DN, trong đó có chính sách tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN gặp khó khăn do dịch COVID-19; ngày 1/7/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP trong đó có gói hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho DN ước tính hơn 4.300 tỷ đồng; giảm điều kiện hỗ trợ DN đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ với kinh phí từ quỹ BH thất nghiệp dự kiến khoảng 4.500 tỷ đồng; tiếp tục giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, việc làm và thu nhập của NLĐ, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 03/2021/QH15; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/2021/NQ-CP và tiếp đó, ngày 1/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BH thất nghiệp.

Có thể thấy, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân, DN đều đã nhận được những lợi ích vật chất thiết thực, góp phần chống chịu với những khó khăn do tác động của dịch bệnh. Các chính sách đều thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Đảng và Nhà nước đối với khó khăn của người dân, DN và hướng đến sự hồi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế, sự thịnh vượng của xã hội.

Riêng đối với chính sách hỗ trợ NLĐ, người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có thể nói là chưa có tiền lệ. Theo đó, khoảng 30.000 tỷ đồng từ phần kết dư quỹ BH thất nghiệp được hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ và giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BH thất nghiệp đối với người SDLĐ trong 12 tháng (từ 10/2021 đến hết tháng 9/2022), với kinh phí ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng. NLĐ sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt theo 6 mức từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy theo thời gian đóng BH thất nghiệp. Lần đầu tiên một quỹ BH thất nghiệp được sử dụng để hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ trong tình huống cấp bách, phi truyền thống ngoài khuôn khổ quy định của Luật về nội dung sử dụng quỹ; Thời gian xây dựng chính sách, ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản triển khai thực hiện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan tổ chức thực hiện đạt kỷ lục về tốc độ khẩn trương.

Chính sách hỗ trợ này vẫn được thực hiện trên nguyên tắc của Luật Việc làm là đóng- hưởng, chia sẻ và công bằng. Chính sách đề cao nguyên tắc chia sẻ, thể hiện ở chỗ:

- Chia sẻ của người SDLĐ và NLĐ đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên bị ảnh hưởng về thu nhập, việc làm ít hơn khu vực còn lại bị ảnh hưởng nhiều hơn.

- Chia sẻ giữa những người có thời gian, mức đóng góp vào quỹ BH thất nghiệp nhiều hơn với người có mức đóng góp ít hơn.

- Chia sẻ giữa những người, đơn vị thuộc đối tượng được hỗ trợ nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ…

Việc ban hành Chính sách hỗ trợ lần này một lần nữa khẳng định quỹ BH thất nghiệp được quản lý công khai, minh bạch, được đầu tư tăng trưởng theo đúng quy định của Nhà nước. Tiền đóng vào quỹ của NLĐ và người SDLĐ được bảo toàn giá trị và hỗ trợ trở lại một cách hiệu quả cho DN và NLĐ đúng vào thời điểm khó khăn nhất.

Để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngay trong ngày 1/10/2021 (ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định), BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3068/BHXH-CSXH hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ thực hiện chính sách và tổ chức hội nghị trực tuyến đến BHXH cấp huyện với khoảng 5.000 CCVC tại tất cả các điểm cầu hội nghị. Tính đến 18 giờ 30 phút ngày 25/10/2021, cơ quan BHXH các cấp đã chi trả xong cho trên 4,8 triệu người với số tiền hơn 11.628 tỷ đồng. Tốc độ giải ngân trong những ngày tiếp theo sẽ tăng lên rất nhanh khi đơn vị SDLĐ gửi danh sách xác nhận người hưởng chính sách đầy đủ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/