Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam: Xác định người dân, DN là trung tâm
14/07/2021 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 13/7, dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam. Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành BHXH Việt Nam và đến nay đã đạt những kết quả ban đầu, được người dân cũng như Chính phủ đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh một số khó khăn. Do đó, các đơn vị tham gia Hội nghị cần tập trung thảo luận, tháo gỡ khó khăn, để đưa ra được lộ trình chuyển đổi số của Ngành được hiệu quả.
Nhiều điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi số
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, với vai trò là cơ quan chủ quản CSDL quốc gia về bảo hiểm, đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan. Trong đó, đã hoàn thiện Quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL của BHXH Việt Nam với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; hoàn tất việc kết nối và đã khai thác được dịch vụ xác thực thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư qua nền tảng NGSP do Bộ TT-TT quản lý...
Theo ông Bồng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc CSDL hộ gia đình tham gia BHYT (đối với các trường hợp có dữ liệu trong CSDL quốc gia về dân cư); qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của BHXH Việt Nam. Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, đối chiếu được 8,1 triệu thông tin cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, vừa qua, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID. “Qua bước xác thực trên sẽ làm tăng tính chính xác của thông tin, do đối chiếu được với thông tin gốc. Mặt khác, cá nhân cũng không cần phải cập nhật ảnh CCCD đính kèm, cơ quan BHXH không phải lưu giữ ảnh CCCD, qua đó giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân”- ông Bồng giải thích. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, đã có khoảng 400 ngàn lượt đăng ký được xác thực.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua ứng dụng VssID, trong quý II/2021, BHXH Việt Nam đã nâng cấp ứng dụng VssID lên phiên bản 1.5.5, trong đó bổ sung thêm nhiều tính năng hữu ích như: Hệ thống thông báo tin nhắn SMS; triển khai ứng dụng đa ngôn ngữ; triển khai 5 DVC trực tiếp dành cho cá nhân; triển khai đăng ký giao dịch điện tử cho cá nhân... Đến nay, cả nước đã có hơn 11,2 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng VssID. Ngoài ra, từ ngày 1/6/2021, BHXH Việt Nam phối hợp với ngành Y tế chính thức triển khai việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB trên toàn quốc.
Đối với thực hiện các mục tiêu theo Quyết định số 942/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành BHXH Việt Nam cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Theo đó, đến nay, 100% DVC của Ngành đủ điều kiện theo quy định đã được cung cấp lên mức độ 4; 100% DVC tích hợp lên Cổng DVC Quốc gia. BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp 100% DVC đủ điều kiện theo quy định và xử lý hoàn toàn trực tuyến; đồng thời cắt giảm TTHC xuống còn 25 thủ tục…
Hướng tới triển khai 100% DVC trên VssID
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác kết nối dữ liệu với các cơ quan, ông Bồng cho hay, hiện nay, Bộ Công an chưa cho phép các bộ, ngành khai thác các thông tin công dân vì yếu tố bảo mật. Do vậy, BHXH Việt Nam chưa thực hiện được việc khai thác thông tin cơ bản cá nhân để hoàn thiện thông tin trong CSDL quốc gia về bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc phối hợp với Bộ Y tế định nghĩa và làm rõ “Nhóm thông tin cơ bản về y tế” và phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH làm rõ “Nhóm thông tin về an sinh xã hội” thuộc CSDL quốc gia về bảo hiểm triển khai vẫn còn chậm.
Trong thời gian tới, BHXH Việt nam tiếp tục kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, trên cơ sở không chỉ dừng ở việc xác thực, mà sẽ đề nghị Bộ Công an phối hợp để triển khai việc khai thác dữ liệu gốc từ CSDL quốc gia về dân cư đối với các “thông tin cơ bản cá nhân”, để cập nhật hoàn thiện các thông tin trong CSDL quốc gia về bảo hiểm theo quy định. Những nội dung BHXH Việt Nam sẽ triển khai bao gồm: Rà soát rút gọn quy trình, cải cách TTHC để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin; đề xuất cho phép sử dụng CCCD có gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi KCB; ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ CCCD gắn chíp vào việc chống lạm dụng BHXH, BHYT…
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng xác định nâng cao công tác phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn qua việc chuyển đổi số với các mục tiêu, dự kiến như: Tiếp tục tái cấu trúc lại TTHC và DVC phù hợp với xu thế chuyển đổi số và tình hình CSDL của Ngành; triển khai 100% DVC trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng, Cổng DVC của Ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng DVC theo Kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở Tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh (mobile); tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu; triển khai hệ thống quản lý rủi ro của Ngành…
Cần lộ trình an toàn và đảm bảo
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã tập trung thảo luận và đánh giá về kế hoạch triển khai chuyển đổi số của Ngành trong thời gian tới như đề xuất của Trung tâm CNTT. Theo đó, đa số ý kiến đều cho rằng, hiện nay nền tảng công nghệ của Ngành đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong quá trình chuyển đối số, chúng ta cần thực hiện kế hoạch theo lộ trình để đảm bảo sự an toàn, tránh tình trạng chuyển đổi số đồng loạt nhưng lại “chưa tới”.
Nói rõ hơn về điều này, ông Dương Mạnh Hùng- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng phân tích: Chuyển đổi số có 3 giai đoạn chính, gồm chuyển đổi từ giấy sang số; số hóa quy trình, chức năng nhiệm vụ và cuối cùng là số hóa tổ chức theo chiều ngang. Cả 3 giai đoạn này, về cơ bản, Ngành đã hoàn thành được. Nhưng thách thức hiện nay nằm ở chỗ, nhiều phần mềm nghiệp vụ của Ngành đã có sự chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn còn tình trạng đôi chỗ chưa chuyển đổi triệt để. “Do đó, chúng ta cần liên kết các đơn vị để chuyển đổi số triệt để, dễ làm trước, khó làm sau và cần lộ trình rõ ràng, tránh gây mất niềm tin vào quá trình chuyển đổi số của Ngành”- ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Dương Tuấn Đức- Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT cho rằng, việc chuyển đổi số tất cả các quy trình nghiệp vụ của Ngành cần phải có sự liên kết và đồng bộ. Đặc biệt, cần tính toán các quyết định có thể mang đến một số hậu quả như dễ bị lạc hậu hoặc trả giá bằng chi phí rất lớn.
Cho ý kiến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Việc chuyển đổi số thành công của Ngành như hiện nay là nhờ sự đóng góp của tất cả các đơn vị nghiệp vụ. Do đó, nếu muốn chuyển đổi số hiệu quả hơn nữa, cần phải có sự liên kết, trao đổi rõ ràng giữa các đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp. Đối với kế hoạch thực hiện, Phó Tổng Giám đốc đề nghị Trung tâm CNTT tiếp thu ý kiến của các đơn vị để đưa ra lộ trình chuyển đổi số an toàn và đảm bảo.
Nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, nếu người đứng đầu các đơn vị không quyết liệt thì phần khó sẽ dồn cho Ngành. Bởi, trong quy trình chuyển đổi, chỉ cần một mắt xích không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ kéo theo những hệ lụy theo sau. Từ đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề xuất cần xây dựng quy trình trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị.
Cho ý kiến về việc xây dựng dữ liệu, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị các đơn vị trong Ngành khi xây dựng dữ liệu cần đáp ứng yêu cầu chuẩn và sạch. Cần hoàn thành chỉ tiêu này để tránh tình trạng sai lệch số liệu trong quá trình thống kê, sàng lọc làm ảnh hưởng tới dữ liệu chung toàn Ngành. Đối với tiện ích của VssID, cũng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trên ứng dụng. Trong đó, có thể thêm thông tin các mức đóng, hưởng của BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cho rằng, một trong những điều cần thực hiện để quá trình chuyển đổi số của Ngành có giá trị thực tiễn cho cả cơ quan quản lý là ngành BHXH Việt Nam và người dân là đối tượng trực tiếp được hưởng lợi, đó là việc trang bị giá trị pháp lý cho dữ liệu và các ứng dụng số của Ngành. “Mọi dữ liệu cần có tính pháp lý để được các ban, ngành, địa phương công nhận và thực hiện. VssID cũng vậy, nếu được dùng để thay thế cho một bước TTHC trong việc giải quyết chế độ cho người dân, thì đó mới là đích của chuyển đổi số”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nói.
Nâng cao nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, những năm qua, việc ứng dụng CNTT của Ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có hướng đi đúng, đặt nền tảng quan trọng, vững chắc cho việc chuyển đổi số. CSDL của Ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng của Ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia và hưởng BHXH, BHYT.
“Qua những đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, có thể nói, ngành BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT vào quản lý, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu chủ quan, không bước tiếp, bước nhanh, Ngành sẽ tụt lùi, nhất là trong xu thế, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của các bộ, ngành và toàn xã hội hiện nay”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam hiện nay không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp Ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Do đó, để đến được đích là một cơ quan số, vẫn cần nâng cao nhận thức, quyết tâm về chuyển đổi số trong từng đơn vị. Và, để các hoạt động, nỗ lực chuyển đổi này đi đúng hướng, đạt kết quả cao và tạo ra sức mạnh cộng hưởng và lan tỏa, toàn Ngành cần xác định rõ mục tiêu, đề ra lộ trình triển khai phù hợp, cũng như phối hợp nhịp nhàng, tổ chức thực hiện thống nhất giữa các đơn vị liên quan.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, huy động sự vào cuộc, hỗ trợ trong các vấn đề liên quan; các dự án CNTT cần nhanh chóng hoàn thiện, xử lý dứt điểm các tồn tại, bởi trong chuyển đổi số nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vô cùng quan trọng, giúp duy trì sự ổn định, thông suốt. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi CSDL của Ngành ngày càng lớn, quan trọng. Ngoài ra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, chuyển đổi số là công việc rất lớn, nên cần có lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, cần lấy người dân, NLĐ và người SDLĐ làm trung tâm.
Theo http://baobaohiemxahoi.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...