Tăng cường phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
08/03/2021 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dịch Covid-19 phát sinh những diễn biến phức tạp, kéo dài, tiếp tục tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động; đồng thời, gây ra những khó khăn không nhỏ cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Người dân làm thủ tục BHXH tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hải Dương. Ảnh: MẠNH MINH
Khó khăn trong công tác thu, phát triển đối tượng... Theo báo cáo của BHXH Việt Nam tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tháng 3-2021, số người tham gia BHXH là 16,03 triệu người, đạt tỷ lệ 90,9% chỉ tiêu phấn đấu BHXH Việt Nam giao; số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu phấn đấu BHXH Việt Nam giao là 1,6 triệu người. Trong đó, có 28 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng BHXH giảm so năm 2020, một số tỉnh, thành phố giảm nhiều đối tượng BHXH như: Bình Dương (giảm 17.715 người), Đồng Nai (giảm 10.859 người), Hải Dương (giảm 10.630 người), TP Hồ Chí Minh (giảm 10.171 người), Bắc Ninh (giảm 9.445 người); 35 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng BHXH tăng so năm 2020. Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 1,051 triệu người, giảm 85,4 nghìn người so với tháng 1-2021, giảm 77,2 nghìn người so cuối năm 2020; đạt 60,8% chỉ tiêu phấn đấu BHXH Việt Nam giao; số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu phấn đấu là 678,2 nghìn người. Trong đó, có tới 53 BHXH tỉnh, thành phố có số đối tượng giảm so với năm 2020, một số BHXH tỉnh, thành phố giảm nhiều đối tượng: TP Hồ Chí Minh (giảm 24.806 người), Kiên Giang (giảm 7.641 người), An Giang (giảm 5.310 người)... Số người tham gia BHYT là 86,41 triệu người, đạt 96,6% chỉ tiêu phấn đấu BHXH Việt Nam giao, số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu phấn đấu BHXH Việt Nam giao là 3,07 triệu người. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn khá phổ biến, hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHTN), BHYT khoảng 26.592 tỷ đồng. Việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng... Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, công tác phát triển đối tượng và thu BHXH, BHYT của tỉnh Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương Đoàn Thị Trinh kiến nghị BHXH Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn về việc tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Về việc giao chỉ tiêu, BHXH tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị xem xét kỹ các yếu tố mang tính đặc thù của từng địa phương, giao chỉ tiêu hợp lý, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện, nhất là về số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... Trưởng ban Quản lý thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết: Một số địa phương có số đối tượng tham gia BHXH giảm so cuối năm 2020, chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía nam. Tình trạng nêu trên cũng do người lao động thường có thói quen “nghỉ Tết” kéo dài. Năm nay, sự thiếu hụt lao động này phát sinh ở Bắc Ninh và Hải Dương do diễn tiến mới của dịch Covid-19, khiến nhiều người lao động chưa kịp quay trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, theo phân tích của Trưởng ban Dương Văn Hào, mặc dù chỉ số phát triển đối tượng chưa đạt kế hoạch kỳ vọng của BHXH Việt Nam, nhưng vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Hiện các doanh nghiệp các tỉnh phía nam đang có nhu cầu tuyển dụng cao, dự báo số lao động sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự báo dù tình hình dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng sẽ giảm bớt áp lực so với năm trước, bởi các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ đã có sự khác biệt, việc khoanh vùng phong tỏa không quá rộng, nên giảm bớt tác động tiêu cực đến khối doanh nghiệp... Báo cáo của các cơ quan chức năng cũng đang cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế, điều đó cũng sẽ mang lại thuận lợi hơn cho thực hiện chính sách của ngành BHXH. Đặc biệt, với sự nỗ lực, tích cực của toàn ngành BHXH, đã có năm địa phương tham mưu được cho cấp ủy ban hành nghị quyết về phát triển đối tượng, 45 địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và xây dựng quy chế làm việc. Theo đánh giá, đây là điều kiện quan trọng để BHXH các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ cả về phát triển đối tượng, giảm vi phạm... Bảo đảm quyền lợi người tham gia là ưu tiên hàng đầu Tại hội nghị giao ban cơ quan tháng 3-2021 đánh giá kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ hai tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2021 có nhiều thách thức với ngành BHXH Việt Nam khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của ngành BHXH bên cạnh bảo đảm quyền lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định, cùng với đó còn phải theo dõi sát tình hình thực tế để có đề xuất tạo điều kiện hết mức hỗ trợ người dân trong việc thụ hưởng quyền lợi, đặc biệt là khám, chữa bệnh BHYT. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý BHXH các địa phương, chính trong khó khăn từ đại dịch Covid-19, người dân cả nước, nhất là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động khu vực phi chính thức càng nhận thức hơn về vai trò của chính sách BHXH, BHYT đối với cuộc sống của mình, do đó họ cũng là nhóm đối tượng cần đặc biệt quan tâm hơn trong việc phát triển BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện... Chính vì vậy, phương hướng, nhiệm vụ mà BHXH Việt Nam đặt ra với BHXH các địa phương là triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN trong tháng ba và những tháng tiếp theo. Phối hợp các bộ, ngành triển khai chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2021; thực hiện thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được BHXH Việt Nam phê duyệt; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất tại các đơn vị có dấu hiệu nợ đọng, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4; tích hợp, cung cấp thêm các dịch vụ công của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ, nhất là hệ thống phần mềm quyết toán tập trung; cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn, hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp, người lao động, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số…
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, sau hơn ba tháng triển khai ứng dụng VssID – BHXH số, cả nước đã có hơn 550 nghìn lượt tải, cài đặt và sử dụng ứng dụng; cả nước có hơn 543 nghìn người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 354 nghìn hồ sơ hợp lệ được duyệt, hơn 194 nghìn tài khoản đã đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID. Trong đó, năm tỉnh, thành phố có số hồ sơ hợp lệ được duyệt lớn nhất là: Quảng Ninh 63.334 hồ sơ; Đà Nẵng 45.272 hồ sơ; Quảng Bình 30.299 hồ sơ; Bắc Kạn 12.649 hồ sơ; Quảng Nam 12.331 hồ sơ...
Theo https://nhandan.com.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...
BHXH tỉnh: Nỗ lực khắc phục khó khăn để sớm “cán đích” năm ...