Phát huy vai trò trụ cột chính trong đảm bảo ASXH

15/02/2020 09:56 AM


Năm 1995, việc thành lập BHXH Việt Nam là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả mà ngành BHXH đạt được 25 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội hướng đến mọi người dân. Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã có những chia sẻ với Báo BHXH.

* PV: Đến nay, BHXH Việt Nam đã có 25 năm xây dựng và phát triển. Đồng chí đánh giá thế nào về những kết quả mà ngành BHXH đã đạt được trong thời gian qua?

Đồng chí Trương Thị Mai: Tính từ thời điểm được hình thành bằng Điều lệ tạm thời về BHXH (1961) đến nay, chính sách BHXH ở Việt Nam đã có lịch sử phát triển gần 60 năm, với 2 thời kỳ lớn chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và 4 giai đoạn cải cách trong gần 35 năm đổi mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Trương Thị Mai trao đổi với các đại biểu tham gia Hội nghị  Toàn quốc tổng kết công tác dân vận và đánh giá kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền” 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 (ngày 9/1/2020)

Năm 1995, việc Chính phủ quyết định thành lập hệ thống BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở trung ương và địa phương trước đó thuộc ngành LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh dấu bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý Quỹ BHXH và đổi mới công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH theo hướng tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước với tổ chức thực hiện chính sách; tiếp đó, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển tổ chức, nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT từ Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam. Quá trình này cho thấy những bước phát triển của hệ thống cơ quan BHXH 25 năm qua gắn liền với sự nghiệp đổi mới đất nước, là một trong những thành tựu dễ thấy nhất của đổi mới chính sách xã hội, đổi mới quan hệ lao động, góp phần vận hành chính sách BHXH theo cơ chế thị trường, đáp ứng nguyện vọng của NLĐ, thúc đẩy sự định hình ngày càng vững chắc hệ thống ASXH phù hợp với quá trình phát triển đất nước, từ chỗ chế độ BHXH chỉ áp dụng cho CBCNVC trong khu vực nhà nước và lực lượng vũ trang đã mở rộng diện bao phủ tới NLĐ làm công ăn lương thuộc mọi thành phần kinh tế, từ chỗ chỉ có duy nhất hình thức BHXH bắt buộc đã có thêm BHXH tự nguyện, từ chỗ quỹ BHXH chủ yếu do NSNN đảm bảo đã chuyển thành quỹ độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng đóng góp của người SDLĐ và NLĐ, được Nhà nước bảo hộ, đến nay đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất.

25 năm qua, bằng sự nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ, với chức năng, nhiệm vụ từng bước được củng cố để đáp ứng yêu cầu ngày càng phức tạp, đa dạng, không ngừng gia tăng của việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã khẳng định vai trò xứng đáng trong hệ thống ASXH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của NLĐ, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Phạm vi và đối tượng tham gia BHXH được mở rộng, số người được hưởng các chế độ BHXH, BHYT không ngừng gia tăng, việc đa dạng hình thức BHXH ngày càng thu hút được sự quan tâm của người dân. Đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH trong cả nước ước đạt trên 15,7 triệu người, chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BH thất nghiệp đạt trên 13,4 triệu người, chiếm khoảng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; tỉ lệ bao phủ BHYT đã đạt gần 90% dân số; quỹ BHXH, BHYT không ngừng gia tăng với tổng số thu đạt gần 368.000 tỉ đồng; chính sách BHXH, BHYT đã bảo đảm cuộc sống cho 3,1 triệu người nghỉ hưu, hơn 186 triệu lượt người được chi trả chi phí KCB BHYT, trên 10 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp với tổng số tiền chi trả các chế độ lên tới trên 400.000 tỉ đồng. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thực hiện giao dịch điện tử, mạnh mẽ cắt giảm từ 263 TTHC (năm 2011) xuống còn 32 thủ tục (2016) và 27 thủ tục (năm 2019), chi trả lương hưu qua Bưu điện, liên thông thủ tục đăng ký khai sinh với cấp thẻ BHYT, cung cấp 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp giải quyết một số thủ tục BHXH, BHYT trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... là những bước tiến cho thấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, DN ngày càng được tôn trọng và bảo đảm, cũng là những bước trưởng thành vượt bậc của ngành BHXH theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, tiếp cận với xu hướng tiến bộ của thế giới. Những thành tựu quan trọng của ngành BHXH là dẫn chứng sinh động cho thấy sự quan tâm và nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách” theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), góp phần củng cố sâu sắc hơn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với tính ưu việt của chế độ.

* Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, song theo đánh giá chung, công tác BHXH hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, tồn tại. Để sự nghiệp BHXH tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm ASXH, theo đồng chí, chúng ta cần có những giải pháp gì?

- Qua gần 35 năm đổi mới, với nhiều lần cải cách, Việt Nam đã lựa chọn và từng bước củng cố mô hình BHXH phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với những thay đổi về dân số, lực lượng lao động, trình độ phát triển kinh tế- xã hội, yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Trương Thị Mai thăm Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH năm 2017

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH cũng bộc lộ không ít những tồn tại, đó là diện bao phủ của BHXH còn dưới mức tiềm năng, BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút NLĐ ở khu vực phi chính thức, thời gian đóng BHXH ngắn, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp so với thu nhập thực tế của NLĐ, số người nhận trợ cấp một lần tăng, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH giảm chưa đáng kể, quỹ BHXH ngắn hạn kết dư lớn... Bối cảnh phát triển của quốc gia ở ngưỡng thu nhập trung bình với tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, tuổi thọ trung bình tăng, sự gia tăng khoảng cách giàu-nghèo và bất bình đẳng xã hội, sự xuất hiện của các quan hệ lao động mới cùng quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với nhiệm vụ cải thiện chất lượng ASXH, trong đó trọng tâm là mở rộng diện bao phủ và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH, BHYT trên cơ sở phải giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã hoạch định một cách căn cơ mục tiêu phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế đến năm 2030, về dài hạn hướng đến bao phủ toàn dân; đồng thời xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có nhiều nội dung cải cách cần được khẩn trương thể chế và tổ chức triển khai sớm; đồng thời có những chính sách cần có thời gian chuẩn bị và kiên trì, bền bỉ thực hiện trong một thời gian dài, gắn với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ luật Lao động 2019 vừa được Quốc hội thông qua đã thể chế một bước việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bãi bỏ hình thức lao động mùa vụ để hạn chế việc trốn đóng BHXH cho NLĐ, ghi nhận hình thức giao kết HĐLĐ thông qua phương tiện điện tử, quy định chính sách áp dụng một số tiêu chuẩn lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động, cùng một số điểm sửa đổi tương thích về điều kiện hưởng lương hưu trong Luật BHXH 2014... Những chủ trương, chính sách này cần được triển khai kịp thời, toàn diện, đồng bộ cả trên phương diện xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật về BHXH.

Trước hết, cần tích cực nghiên cứu, rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp và pháp luật có liên quan về lao động, việc làm, tiền lương, bảo trợ xã hội,... để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ, thúc đẩy sự tham gia của NLĐ ở khu vực không có quan hệ lao động.

Quan trọng hơn, ngành BHXH cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH để củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người dân đối với hệ thống BHXH thông qua việc đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH gắn với chỉ tiêu phát triển đối tượng; nỗ lực hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao tính phục vụ, tạo sự thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí đối với người dân và DN; nâng cao năng lực quản trị, sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH với các ngành LĐ-TB&XH, KH-ĐT, Thuế... để theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập DN, khai trình lao động, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH, kê khai thu nhập tiền lương và quản lý đối tượng tham gia BHXH đúng quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, tạo chuyển biến tích cực, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

* Năm 2020 đánh dấu chặng đường 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển của ngành BHXH, đồng thời cũng là giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Theo đồng chí, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, vai trò của công tác dân vận cần được phát huy như thế nào?

- Nghị quyết 28-NQ/TW là quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Trung ương đối với việc củng cố, phát triển hệ thống ASXH trong tình hình mới, đi đôi với các chủ trương lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế. Những nội dung cải cách của Nghị quyết chỉ có thể thực hiện thành công khi các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị, huy động sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, lan tỏa đến người dân trên cơ sở nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải thực sự đổi mới, đi vào thực chất để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của NLĐ trong việc bảo đảm an sinh lâu dài cho bản thân mình và gia đình, từ đó thúc đẩy mở rộng diện bao phủ, giảm số lượng người hưởng chế độ BHXH một lần. Đây là giải pháp được nhấn mạnh trong Nghị quyết 28, cần được kiên trì thực hiện trước hết bằng chính lực lượng cán bộ, đảng viên của ngành BHXH, thông qua công việc hàng ngày của mình đối với người dân, DN. Cần gây dựng niềm tin, sự ủng hộ của người dân, DN từ chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ BHXH trong những công việc rất cụ thể như tuyên truyền phát triển đối tượng, thu-chi, giải quyết chế độ bảo hiểm, nâng cao hiệu quả quản trị quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Tôi mong cán bộ, đảng viên, NLĐ ngành BHXH cùng nhận thức sâu sắc để gắn công tác vận động nhân dân với hoạt động nghiệp vụ, thực hành dân vận từ những việc làm hàng ngày, nhất là trong điều kiện trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức và vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, các phương tiện thông tin, mạng xã hội ngày càng đa dạng, đa chiều. Năm 2020, công tác dân vận sẽ được triển khai với chủ đề “Năm dân vận khéo” của cả hệ thống chính trị. Tôi mong rằng Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiêu biểu thực hành dân vận qua các hoạt động cụ thể như: Cải cách TTHC; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; triển khai tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công khai, minh bạch; tăng cường đối thoại trực tiếp với DN, người dân… Bên cạnh đó, cần tăng cường quan hệ phối hợp của BHXH Việt Nam với các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp… trong quá trình xây dựng, sửa đổi hệ thống chính sách, pháp luật liên quan cũng như trong tổ chức thực thi pháp luật, tuyên truyền, vận động, giám sát, kiểm tra, lắng nghe ý kiến người dân, DN, tiếp thu kiến nghị, phản biện xã hội… để tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin, động lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 28. Nhân dịp nhìn lại 25 năm phát triển, tôi tin tưởng và chúc ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ hơn để xứng đáng với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống ASXH Việt Nam.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Theo http://baobaohiemxahoi.vn