Hiểu đúng về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

16/04/2025 02:22 PM


Hiện nay, có rất nhiều bạn đọc chưa hiểu đầy đủ nội dung quy định tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đó là: “Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH”.

Bưu điện thành phố Tuy Hòa chi trả lương hưu cho người dân

Để hiểu cụ thể hơn nội dung này, chúng tôi thông tin như sau:

Thứ nhất: “Được bảo lưu thời gian đóng BHXH”. Điều này có nghĩa, dù bạn đã hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp theo số năm đóng BHXH nhưng thời gian đã đóng BHXH của bạn vẫn được bảo lưu (giữ lại như cũ) như trường hợp nghỉ việc thông thường.

Trường hợp bạn có việc làm mới, có ký kết hợp đồng lao động với đơn vị thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì được tiếp tục đóng BHXH và thời gian đóng BHXH đó được cộng tiếp theo.

Trường hợp bạn không có phát sinh quan hệ lao động, không được đóng BHXH bắt buộc thì có thể chọn theo cách sau:

+ Đóng BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH; tăng thêm số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc được hưởng tỷ lệ lương hưu cao hơn về sau. Mức đóng, thời gian đóng khá linh hoạt bạn có thể chọn phương thức phù hợp (hàng tháng, hàng quý, năm hoặc nhiều năm 1 lần nhưng tối đa không quá 5 năm).

+ Từ ngày 01/7/2025, Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, áp dụng cho người tham gia BHXH đủ 15 năm trở lên và hết tuổi lao động thì được hưởng lương hưu. Do vậy, nếu bạn đã có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên trước khi nghỉ việc, nếu bạn không tiếp tục đóng BHXH thì bảo lưu để đến tuổi nghỉ hưu bạn được hưởng lương hưu theo quy định. Tuy nhiên, số năm đóng ít thì tương ứng mức hưởng thấp, cụ thể: 15 năm đầu đóng BHXH tỷ lệ hưởng lương hưu đối với nữ tương ứng với mức hưởng là 45% (sau đó cứ đóng thêm mỗi năm tăng thêm 2%), đối với nam là 40% (từ năm thứ 16 trở đi đến năm thứ 20 cứ đóng thêm mỗi năm tăng thêm 1% và từ năm thứ 21 trở đi mỗi năm tăng 2%).

Thứ hai: “Được hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH”.

Điều kiện để hưởng BHXH 1 lần: Đối với người chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH; đối với người đã đủ tuổi nghỉ hưu thì sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm (kể từ ngày 01/7/2025 là 15 năm) và cũng không tiếp tục tham gia; ra nước ngoài định cư; người mắc bệnh hiểm nghèo nguy hiểm tính mạng…

Thiết nghĩ, bạn nên chọn phương án bảo lưu hoặc tiếp tục đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động bởi lương hưu đảm bảo cuộc sống cơ bản khi về già. Lương hưu dù ít hay nhiều vẫn vô cùng giá trị cùng với nhiều quyền lợi khác như: Được cấp thẻ BHYT miễn phí đến trọn đời; lương hưu được điều chỉnh tăng theo mức giá sinh hoạt do Chính phủ quy định; được hưởng chế độ tử tuất...

Quang Phương