Sửa Luật BHXH: Cần nhìn từ thực tế, tránh để NLĐ thiệt thòi
06/04/2023 09:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Do tính chất đặc thù là chính sách an sinh xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, trong đó có hàng triệu NLĐ, nên việc sửa đổi Luật BHXH cần tính toán kỹ lưỡng, giải quyết được những vấn đề bất cập trong đời sống hiện nay. Có như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo NLĐ và mang tính “bền vững”.
Chiều 5/4, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ Công đoàn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cùng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các cán bộ Công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh, thành, Công đoàn ngành Trung ương (khu vực phía Bắc).
Ông Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo
Nhiều sửa đổi có tác động đến NLĐ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật BHXH có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có NLĐ. Với tư cách là cơ quan đại diện và nói lên tiếng nói của NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo này, để các cán bộ Công đoàn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của NLĐ… để giúp cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) ngày càng hoàn thiện.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trước đây, việc sửa đổi Luật BHXH cũng là lý do gây ra tranh chấp lao động tập thể… Rút kinh nghiệm từ những lần trước, Ban soạn thảo rất quan tâm đến việc vừa lấy ý kiến, vừa truyền thông chính sách tới người dân, NLĐ để họ thể hiện quan điểm của mình theo hướng tích cực và xây dựng… nhằm tránh có những phản ứng tiêu cực. “Trên cơ sở ý kiến của NLĐ, cán bộ Công đoàn góp ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH sẽ xây dựng dự thảo luật đảm bảo tính khoa học, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ SDLĐ với NLĐ, hài hòa lợi ích trước mắt, ngắn hạn và lâu dài”- ông Hiểu chia sẻ.
Nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, thông qua Hội thảo, hai bên sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý của các cán bộ Công đoàn để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
Thông tin tại Hội thảo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, cơ quan, đơn vị, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất được thiết kế gồm 9 chương (giữ nguyên số chương) và 133 điều (nhiều hơn 8 điều so với luật hiện hành). Theo đó, nội dung sửa đổi tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản, tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Đồng thời, bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chế độ BHXH.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cũng mở rộng đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, giúp những người tham gia muộn và tham gia không liên tục (thời gian đóng ngắn) cũng có cơ hội hưởng lương hưu. Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật và bảo đảm quyền lợi BHXH cho NLĐ…
Cần có giải pháp xử lý DN nợ BHXH
Tại Hội thảo, đại diện Công đoàn các tỉnh, ngành đã có nhiều ý kiến góp ý về việc hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, việc xử lý nợ, trốn đóng BHXH được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, một thực trạng hiện nay đang diễn ra tại hầu hết các địa phương, đó là hằng tháng NLĐ đóng tiền BHXH đầy đủ nhưng chủ SDLĐ không nộp cho cơ quan BHXH, cuối cùng chính họ là người phải đi cầu cạnh, xin giải quyết các quyền lợi của mình.
Ông Phạm Sơn nêu ý kiến tại Hội thảo
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cho biết, ở Phú Thọ từng có DN bị xử phạt, bị khởi kiện ra toà, thậm chí NLĐ thắng kiện nhưng cũng không làm được gì bởi DN vẫn không có tiền nộp BHXH. Cuối cùng, NLĐ vẫn là người thiệt vì không được hưởng quyền lợi. “Chúng ta nghiên cứu làm sao để nguyên tắc có đóng có hưởng, công bằng, ai sai ở đâu phải chịu, cần có đủ chế tài pháp luật để xử lý, buộc DN phải chấp hành pháp luật”- ông Phạm Sơn nêu ý kiến.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, nếu kiên quyết làm rắn quá cũng khó, bởi DN mà “chết lâm sàng” thì họ hoàn toàn không có khả năng giải quyết số nợ BHXH. Vì vậy, thay vào đó, nên nghiên cứu làm thế nào giải quyết ổn thoả, đảm bảo tính công bằng. Đại diện LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị, trong Luật BHXH nên nghiên cứu để có quy định cụ thể trong giải quyết quyền lợi NLĐ khi chủ DN bỏ trốn, mất tích, không có tài sản đảm bảo…
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Thọ- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho rằng, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng BHXH. Chẳng hạn, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hoá đơn đối với chủ SDLĐ trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên là biện pháp mạnh sắp tới. Tuy nhiên, các DN nợ BHXH trước đó nhiều năm, nếu áp dụng biện pháp này thì DN sẽ “chết” vì không hoạt động được, và NLĐ lại phải gánh chịu hậu quả. “Nếu Luật BHXH không cởi chỗ này, NLĐ chắc chắn thiệt thòi”- ông Lê Đức Thọ nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Dương Đức Khanh- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình dẫn trường hợp một DN lĩnh vực da giày ở địa phương trốn đóng, nợ BHXH 3 năm. Các cơ quan chức năng phối hợp làm việc với DN chỉ ở mức độ nhất định, đến mức họ đã âm thầm chuyển hết tài sản rồi bỏ trốn. “Chúng tôi làm đủ trình tự, phối hợp với các ngành nhưng không làm gì được, kể cả Công an vào cũng không khởi tố được vụ án, cuối cùng hàng nghìn NLĐ bị mất quyền lợi. Đây là điều thiệt thòi, xót xa, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi”- ông Khanh chia sẻ.
Từ thực trạng trên, đại diện LĐLĐ tỉnh Ninh Bình đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 19, đó là chủ SDLĐ, cơ quan BHXH có trách nhiệm công khai thông tin của NLĐ và cơ quan đóng BHXH để NLĐ được theo dõi. Bên cạnh đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 21- đó là yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận thông tin đóng BHXH, hằng tháng cung cấp thông tin công khai để mọi người kiểm tra, giám sát DN đã đóng nộp, chấp hành hay chưa?
Đề xuất hoán đổi năm đóng BHXH để về hưu sớm
Chia sẻ về một vấn đề cũng được nhiều NLĐ quan tâm, bà Nguyễn Thị Thúy Hà- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay nhiều công nhân đi làm khi tuổi còn rất trẻ, hiện nay đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu nên khi về hưu sớm họ phải nhận mức lương hưu thấp. Do đó, đa số họ đều có mong muốn được bù đắp năm đóng BHXH cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu.
Theo bà Hà, đây không chỉ là ý kiến riêng của công nhân, mà của cả đội ngũ CCVC trong cơ quan hành chính sự nghiệp. Vì vậy, đại diện LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất cơ quan soạn thảo có thể giải đáp mong mỏi của NLĐ, để những người thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu.
Đồng tình đề nghị hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu, bà Đặng Thị Kim Chung- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh cho biết, trường hợp thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu rất nhiều, nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. "Trước đây, nếu lao động nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị giảm 1% tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng. Còn quy định hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2%. Trong khi đó, số năm đóng BHXH lại tăng lên 5 năm, như vậy rất thiệt thòi cho NLĐ"- bà Chung lý giải.
Trước những ý kiến, đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, nhiều trường hợp có thời gian tham gia BHXH 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam được hưởng lương hưu 75%, nhưng lại bị trừ phần trăm lương hưu vì tuổi đời chưa đủ để nghỉ hưu. Trước đây, vấn đề này chưa được đề cập trong các chính sách, qua thực tiễn lấy ý kiến của NLĐ mới thấy bất cập. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra xem xét, đánh giá bởi đó là nguyện vọng chính đáng của NLĐ và để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đây là những vấn đề mới nảy sinh trong thực tế, trách nhiệm của Tổ biên tập sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, nghiên cứu đánh giá tổng thể trên nhiều góc độ để hoàn thiện dự thảo luật cho phù hợp.
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...