Phải khắc phục những bất cập trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế
21/09/2022 09:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại diện Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đấu thầu hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Nhất trí với các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và các nhóm chính sách, song Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị, Ban soạn thảo cần lưu một số vấn đề như: Việc sửa đổi Luật Đấu thầu phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu”, nhằm góp phần quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật phải bảo đảm khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện; giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, phải bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu…
Cho ý kiến về dự án này, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Đấu thầu, nhằm nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, do dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Bộ luật Lao động, Luật Dầu khí… nên cần phải có sự phân tích, đánh giá thấu đáo, để việc sửa đổi được hiệu quả.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần phải báo cáo làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tập trung trong thời gian vừa qua có những vấn đề gì mà tổ chức khó khăn?... "Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng vẫn khan hiếm thuốc? Và, trong luật khắc phục được vấn đề này không?"- ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: “Thuốc và trang thiết bị y tế khó dự trù chính xác nhu cầu sử dụng. Việc tổ chức đấu thầu theo quy định của luật mất nhiều thời gian, nên có thể xảy ra thiếu thuốc, trang thiết bị y tế- khi nhu cầu vượt dự trù, làm ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, chất lượng dịch vụ. Do đó, vấn đề này cũng cần được tính đến trong dự án luật. Liên quan đến việc thẩm định giá, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để kiểm soát được kết quả thẩm định giá”.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể và phù hợp hơn.
Giải trình những vấn đề liên quan đến công tác đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân khách quan, việc thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua là do Bộ Y tế phải mất nhiều thời gian tổng hợp số liệu trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, lượng bệnh nhân đến các cơ sở y tế KCB tăng vượt sự kiến. Ngoài ra, do dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới, dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ứng thuốc và vật tư y tế.
Về nguyên nhân chủ quan, sau khi xảy ra những sai phạm tại CDC một số tỉnh, thành phố trên cả nước, nên các BV có tâm ý e dè trong khâu đấu thầu thuốc và vật tư y tế, dẫn đến việc các cơ sở y tế thiếu thuốc. Mặt khác, Bộ Y tế quá tập trung vào việc phòng chống dịch, nên việc mua sắm trang thiết bị, thuốc và vật tư y tế cũng chậm. Ngoài ra, việc thực hiện một số quy định trong Luật Đấu thầu có nhiều thay đổi...
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã giải quyết, mua được 86/106 loại thuốc tập trung và 19/65 loại thuốc biệt dược. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang sửa Thông tư 15 theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới trong việc mua sắm vật tư y tế... “Nên chăng BHXH Việt Nam cùng tham gia đấu thầu tập trung thuốc và vật tư, thiết bị y tế để giảm tải cho Bộ Y tế”- ông Thuấn đề nghị.
Vũ Thu
Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...