Tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
11/03/2022 02:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/3, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) chính thức khai mạc, với gần 1.000 đại biểu thay mặt cho 19 triệu hội viên phụ nữ khắp cả nước tham dự. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, dù ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, phụ nữ Việt Nam cũng vượt qua, có những đóng góp, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam. Trong những năm qua, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt những thành tựu to lớn. Chiếm hơn 50% dân số và gần 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, ở mọi vùng miền của Tổ quốc.
Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác; đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… Đồng thời, là nhân tố đặc biệt quan trọng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học tăng lên đáng kể. Tỷ lệ DN do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín và xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
“Có thể khẳng định, những đóng góp bền bỉ, to lớn của các thế hệ nối tiếp thế hệ phụ nữ nước ta ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và tiếp tục khẳng định lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tươi đẹp, rực rỡ”- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, có nhiều nữ cán bộ y tế, nữ chiến sĩ đã gác lại mọi nỗi niềm riêng tư, xung phong lên tuyến đầu chống dịch để giành giật từng hơi thở, từng sinh mạng của người bệnh Covid-19. Nhiều nữ doanh nhân, những bà mẹ nghèo, các vị nữ tu sĩ, nữ nghệ sĩ, các bà, các mẹ, các chị… không phân biệt già trẻ, nghề nghiệp, tôn giáo hay những em gái nhỏ ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo chắt chiu từng đồng tiền tích cóp, từng mớ rau, quả trứng, cân thịt… gửi lên tuyến đầu. Những hành động, nghĩa cử cao đẹp đó đã khẳng định vai trò và sự đóng góp của tổ chức Hội, khi chung tay cùng hệ thống chính trị thực hiện “đa mục tiêu”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo an sinh xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tích cực hội nhập sâu rộng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng cũng khẳng định, 5 năm qua, phong trào phụ nữ và hoạt động của tổ chức Hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế và gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Phong trào chưa thực sự toàn diện, mạnh mẽ, đồng đều, chưa khơi dậy và phát huy đầy đủ tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trên các lĩnh vực. Ở một số nơi, cách thức tổ chức phong trào thi đua, cuộc vận động còn hình thức, chưa hấp dẫn, chưa thiết thực. Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm; thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn trong đời sống, việc làm của hội viên, phụ nữ tại một số địa phương còn hạn chế. Hiệu quả công tác phối hợp, vận động nguồn lực, công tác giám sát và phản biện xã hội còn chưa được như mong muốn. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong một số lĩnh vực, đối tượng phụ nữ còn chậm. Nhận thức và hành động bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Vai trò đại diện cũng như việc lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong một số vụ việc xâm hại chưa thực sự mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả...
Tham gia thảo luận tại Đại hội, đại biểu Lê Thị Thu Hằng (Người phát ngôn- Thư ký Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) khẳng định, ngày nay, phụ nữ Việt Nam không chỉ có vai trò “giữ lửa” trong mỗi gia đình, mà còn là chủ thể có đầy đủ vị thế và tiềm năng để trở thành động lực quan trọng của tiến trình đổi mới đất nước. Nhìn rộng ra, trên thế giới, bình đẳng giới hiện là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội, là xu hướng vận động tích cực mà toàn nhân loại hướng đến. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền và tăng cường vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế-xã hội.
Theo đại biểu Lê Thị Thu Hằng, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng tiếp tục khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Chủ trương xuyên suốt này được cụ thể hóa bằng các khuôn khổ pháp lý, chính sách của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ Việt Nam phát huy tiềm năng to lớn trong thời đại mới, tiên phong đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu, khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045. “Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”- đại biểu Hằng chia sẻ.
Đặc biệt, những năm gần đây, các chính sách an sinh xã hội đã tập trung ưu tiên những người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào DTTS, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng, hạnh phúc của nhân dân, trong đó, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên. Hệ thống chính sách BHXH được thiết kế tương đối toàn diện ở nhiều mức độ giải quyết rủi ro khác nhau phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu hướng của thế giới. Hệ thống chính sách BHXH cũng khá đồng bộ và bao quát hầu hết các chế độ, gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đang được đẩy mạnh thực hiện. Đặc biệt, Luật BHXH 2014 đã có những tiến bộ với các quy định điều chỉnh thời gian hưởng thai sản khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Đáng chú ý, lần đầu tiên pháp luật BHXH đã quy định người chồng cũng được hưởng chế độ thai sản- đây là quy định nhân văn, đề cao trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc gia đình với phụ nữ.
Cũng tại phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII (nhiệm kỳ 2022-2027). Sau khi tiến hành đầy đủ và chặt chẽ theo đúng thủ tục, nguyên tắc, Đại hội đã bầu 155 Ủy viên Ban Chấp hành khóa XIII. Đây là những phụ nữ đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, nhiệt tình, tâm huyết và tự nguyện hoạt động công tác Hội, tiêu biểu cho các tầng lớp phụ nữ cả nước; thể hiện tính liên hiệp rộng rãi, phản ánh ý chí, nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam.
Các ca khúc đạt giải cuộc thi Sáng tác ca khúc về ...
Có nên rút BHXH 1 lần
Quy định về đăng ký KCB BHYT và chuyển tuyến KCB ...
Kết quả chi trả các chế độ BHXH năm 2024
Phú Yên: Đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc về ...
Huyện Tuy An: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Thị xã Sông Cầu: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân ...
BHXH tỉnh: Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, ...